Cơm dẻo ngon nhờ thêm hai nguyên liệu đặc biệt
Khi nấu cơm, bạn nên ngâm khoảng 15 phút, sau đó cho thêm dầu ăn (mỡ lợn) và giấm trắng (hoặc chanh) sẽ giúp cơm dẻo ngon như ngoài hàng.
Cơm là món ăn chính phổ biến ở hầu hết các quốc gia châu Á. Việc nấu cơm ngày nay tưởng chừng đơn giản với các bước như vo gạo, thêm nước và bấm nút trên nồi cơm điện. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy hạt gạo khi nấu ra không ngon và dẻo như ngoài hàng, dù đã thay đổi các loại gạo khác nhau. Trên thực tế, để hạt cơm dẻo, bóng, vị ngọt và thơm, khi nấu cơm, bạn cần áp dụng một số mẹo nhỏ mà không phải ai cũng biết.
Vo sạch gạo
Nhiều người có thói quen vo gạo nhiều lần cho tới khi nước trong rồi mới nấu nhưng đây lại là cách làm "thất thoát" nhiều chất dinh dưỡng và hương vị của gạo nhất. Bạn hãy nhớ một nguyên tắc là không nên vo quá kỹ, sẽ làm mất đi lớp bột trên bề mặt gạo. Cách làm đúng là cho nước xâm xấp mặt gạo, dùng tay khuấy nhẹ để rửa sạch lớp bụi bẩn, hạt sạn nếu có và chỉ nên thay nước 2-3 lần là tối đa.
Thêm nước
Mỗi loại gạo lại có độ hút nước khác nhau, do đó, bạn cần nấu thử vài lần để căn chỉnh lượng nước cho phù hợp. Nếu quá nhiều nước sẽ khiến cơm bị nhão còn ít nước cơm bị khô cứng, khó ăn hoặc chưa chín. Khi mua nồi cơm điện, các hãng luôn bán kèm một cốc đong nước tiêu chuẩn, bạn tự căn chỉnh với loại gạo thường ăn của gia đình mình. Còn trong trường hợp chưa có tỷ lệ chính xác, bạn có thể áp dụng mẹo dân gian là đo lượng nước từ mặt cao bằng hơn nửa đốt ngón tay trỏ. Khi đó, cơm sẽ có chất lượng tương đối ổn.
Cho nước cao hơn nửa đốt ngon tay trỏ là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng.
Ngâm gạo
Bình thường, người nội trợ sẽ bấm nút nấu cơm luôn. Tuy nhiên, người Nhật lại có thói quen ngâm gạo. Họ thường ngâm gạo khoảng 15 phút để gạo hút nước, không chỉ rút ngắn thời gian nấu, còn giúp cơm chín dẻo. Với bất cứ loại gạo nào, việc ngâm gạo trước khi nấu sẽ giúp cơm nhanh chín, tơi xốp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Thêm "phụ kiện"
Sở dĩ cơm ở các nhà hàng thơm dẻo là nhờ cho thêm các nguyên liệu đặc biệt là dầu ăn (hoặc mỡ lợn) và giấm. Nấu cơm cho thêm mỡ lợn là phương pháp truyền thống được nhiều gia đình áp dụng "từ thời các cụ". Bạn có thể cho một thìa mỡ lợn nhỏ vào gạo đã ngâm. Nếu không mỡ lợn, bạn có thể dùng một chút dầu ăn. Sau đó, bạn cho thêm một ít giấm trắng hoặc vắt vài giọt chanh và bấm nút nấu cơm.
Mỡ lợn hoặc dầu ăn giúp hạt cơm bóng đẹp và không bị sát nồi. Giấm trắng có tác dụng làm mềm và tăng thêm hương vị, nếu chỉ một chút sẽ không khiến cơm bị chua, ảnh hưởng tới hương vị.
Bạn có thể cho thêm dầu ăn (mỡ lợn) và giấm để cơm ngon hơn.
Hâm cơm
Khi cơm chín, nồi cơm tự động ngắt. Nhưng thay vì ăn luôn, bạn có thể mở nắp nồi, dùng đũa, xới nhẹ cho tơi cơm rồi bấm nút hâm cơm (thường là nút Keep Warm). Thời gian hâm khoảng 5-10 phút, giúp cho cơm tơi xốp, mềm ngon không kém ở ngoài hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ với nguyên liệu quen thuộc, sẵn có trong bếp, bạn làm theo mẹo hay này là đã nấu được nồi cơm thơm lừng, mẹ chồng ăn xong chỉ có khen nức nở.