Cơm cháy 'rời' xó bếp hóa sang
Trước cơm cháy 'cam phận' nơi xó bếp, nay 'đủng đỉnh' trong nhà hàng sang trọng.
Khi đã đủ đầy, người ta ăn như tìm lại một thời, một khoảnh khắc tươi đẹp hoặc khốn khó... Nhờ vậy món cơm cháy "nở hoa". Trước cơm cháy cam phận nơi xó bếp. Nay cơm cháy đủng đỉnh trong nhà hàng sang trọng.
Giản tiện
Ngon và gọn đó là những tiện ích căn bản của cơm cháy. Những hạt ngọc của nền văn minh lúa nước khi gặp nước sạch và lửa hồng, do vô tình hay cố ý từ bàn tay người nấu, đã tạo nên những miếng cơm cháy thơm phức, nóng hôi hổi, ngoài giòn trong dẻo... Vừa thổi vừa ăn, ngon thuần khiết!
Mộc mạc và tinh tế cơm cháy gạo thơm - Ảnh: Trần Thắng
Cũng như dùng cơm nếp, ăn cơm cháy người ta thường bốc chứ không cần chén, đũa. Có thể chấm tí muối ớt, mắm ruốc, nước cá hoặc ăn không. Khi đó, cảm giác ngon như tăng gấp bội, vì người ăn đã tận dụng cả năm giác quan. Với lũ trẻ, đứng một chỗ, không ngon bằng vừa ăn vừa chạy ù đi chơi cùng chúng bạn.
Ông Võ Văn Tấn, một bậc cao niên ở Q.1, TP.HCM cười móm mém nói: “Xưa, ngoài người nghèo, cơm cháy với nước cơm chắt thường để dành cho trẻ nhỏ. Và ăn vụng luôn ngon hơn công khai. Nay người lớn cũng... tranh ăn!”
Lằn ranh giữa cơm cháy và khét thật mong manh. Cho nên trong cơm cháy vừa đủ lửa, hàm chứa cả chất mộc mạc lẫn tinh tế. Đấy là bất ngờ của ẩm thực Việt!
Cầu kỳ
Ở trên, nói đến sự vô tình có cơm cháy. Song nếu cố ý làm mẻ cơm cháy ngon không phải chuyện dễ. Gạo hoặc nếp phải chọn loại ngon. Lúa mới luôn cho cơm cháy thơm hơn, nhưng phải nấu ít nước hơn một chút. Nồi đất vẫn là chọn lựa số một. Bởi nồi đất hút ẩm tốt và có ý kiến cho rằng, nó còn giúp tăng hương vị thực phẩm được nấu. Củi ổi, củi đước cho than rực rỡ hơn.
Và quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm đo lửa, canh lửa của người nấu. Lằn ranh giữa cơm cháy và khét thật mong manh. Cho nên trong cơm cháy vừa đủ lửa, hàm chứa cả chất mộc mạc lẫn tinh tế. Đấy là bất ngờ của ẩm thực Việt!
Rộ nở
Chủ quán Cây Nhãn, ở Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, khách quen phải gọi điện trước một giờ, mới chuẩn bị xong món cơm cháy nếp ăn với gà đất nướng than gáo dừa. Còn khách lạ, phải chịu khó... "xếp hàng" dài cổ. Quán này có từ trước 1975, qua hai thế hệ.
Thời nay, món cơm cháy giàu sắc điệu hơn - Ảnh: Trần Thắng
Cơm cháy nếp “sánh duyên” cùng gà đất nướng - Ảnh: Tấn Tới
Ở Sài Gòn, nhiều nhà hàng sang bán chạy món cơm cháy gạo thơm. Món ăn kèm cũng đa dạng: kho quẹt + rau dại luộc, bống trứng kho tiêu cùng nhiều rau xanh, xốt hải sản... Thời gian chờ ngắn hơn khoảng 25 -30 phút. Bằng cách đầu bếp dùng chảo gang, trải mỏng cơm trắng, mở bếp ga... Hương vị sẽ không hoàn hảo, nhưng đa phần thực khách thông cảm được.
Thêm một lý do khác khiến cơm cháy dễ bán: sợ béo phì. Những công chức, giới văn phòng, nhất là phái nữ, rất chú trọng đến việc giữ dáng. “Mỗi cữ ăn, tôi cần một chén lưng là đủ. Thỉnh thoảng tôi rủ vài ba bạn thân hoặc đồng nghiệp đi ăn cơm cháy vừa hấp dẫn vừa không lo mất eo”, chị Thủy, nhân viên tiếp thị một công ty sữa ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM nói.
Cơm cháy là món ăn ưa chuộng của giới văn phòng - Ảnh: Trần Thắng
Ngoài ra, còn một dòng cơm cháy sấy đóng gói sẵn, nhiều chất béo, có cả chay và mặn. Những người kén ăn không chuộng mấy. Bởi nó quá giòn tựa cốm và có khả năng gây béo phì. Thế nhưng, dòng sản phẩm này vẫn có đối tượng riêng nhờ giá rẻ và tiện lợi.