Chỉ 30p nấu xong món ăn giải ngán, ngon miệng, tăng sức đề kháng phòng Corona
Ngoài tác dụng giải ngán, cân bằng lượng dưỡng chất thiếu hụt sau Tết thì những món ăn này còn giúp tăng khả năng sinh sản bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch...
Bún sườn chua là món ăn đặc trưng ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội. Món này làm nhanh (nấu trong vòng 30 phút là xong), có hương vị thơm ngon, dễ kiếm nguyên liệu và có tác dụng giải ngán, nhất là ăn bữa sáng còn có tác dụng bổ sung năng lượng tốt cho một ngày làm việc, học tập hiệu quả hơn.
Bún sườn nấu chua là món ăn đặc trưng của người Hà Nội. Ảnh minh họa.
Đầu bếp Đặng Thanh Hương (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ cách làm mấy món bún sườn chua ngon miệng người Hà Nội hay làm để giải ngán, bổ sung vitamin C và dưỡng chất cho cơ thể.
Canh sườn nấu chua để ăn bún là món đặc trưng ở miền Bắc. Ảnh minh họa.
Bún sườn chua
Nguyên liệu:
- Sườn sụn: 300g
- Thịt sấn vai: 200g
- Mộc nhĩ, cà chua, dọc mùng, hành khô, hành tươi, rau gia vị (răm, mùi, rau sống ăn kèm), ớt.
- Gia vị: bột canh, nước mắm.
- Bún.
Cách làm:
Sườn sụn chặt miếng đem chần qua với nước sôi, rồi rửa sạch với muối để khử hôi. Cho sườn sụn vào nồi áp suất ninh nhỏ lửa tới chín mềm.
Mộc nhĩ ngâm mềm, băm nhỏ.
Thịt lợn băm nhỏ rồi trộn với mộc nhĩ băm, nêm thêm 1 thìa bột canh và rắc hạt tiêu vừa ăn. Trộn đều tất cả rồi viên nhỏ, cho vào chảo dầu sôi chiên sơ rồi vớt ra bỏ vào giấy thấm dầu.
Cà chua rửa sạch bổ múi cau. Dọc mùng tước vỏ, bóp muối rửa sạch thái vát. Hành, rau răm rửa sạch thái nhỏ.
Phi thơm hành với chút dầu ăn, cho cà chua vào xào sơ, nêm 1 thìa bột canh.
Khi nồi canh sườn chín cho cà chua đã xào vào đun khoảng 3 phút. Nêm nếm vừa miệng, rồi cho thêm me (hoặc sấu, dứa). Sau đó thả từng viên mọc vào đun tiếp tới khi mọc nổi lên là đã chín thì cho dọc mùng vào đun thêm 1-2 phút là được.
Bún chần nước nóng rồi đổ vào bát tô. Cho mọc, sườn sụn, hành chẻ, rau gia vị thái nhỏ rồi từ từ chan nước dùng, ăn nóng. Canh sườn nước ngọt, vị chua nhẹ, thơm ăn vào bữa sáng rất ngon miệng, nhất là vào buổi sáng sẽ giúp tràn trề năng lực ngày mới.
Món bún sườn măng. Ảnh minh họa.
Bún sườn măng
Nguyên liệu:
- Sườn non: 200g
- Măng: 150g
- Cà chua, hành, răm, thì là, gia vị, bún tươi.
Cách làm:
Sườn non chặt miếng vừa ăn, chần qua nước sôi.
Cà chua thái miếng cau. Hành, răm, thìa là thái khúc.
Măng xé sợi, cho vào luộc rồi rửa sạch cho bớt chua.
Phi thơm hành, cho cà chua và sườn vào xào, nêm gia vị vừa ăn. Sườn săn thì cho măng vào xào thêm 5 phút thì đổ nước vào. Đun sôi thì vặn nhỏ bếp ninh sườn tới chín mềm.
Khi ăn cho bún vào bát, gắp sườn và cà chua, rắc hành, rau gia vị rồi chan nước dùng.
Món bún sườn bò/ mọc cũng rất dễ ăn, giải ngán, phòng bệnh Corona. Ảnh minh họa.
Bún sườn, bò/ mọc
Nguyên liệu:
- 400g sườn lợn
- 200g thịt bò
- 600g bún
- 2 quả cà chua, 1 quả chanh, nước mắm, mì chính, 1 nhánh gừng, ớt và hành mùi.
Cách làm:
Sườn lợn chặt miếng, chần qua nước sôi rồi rửa sạch. Cho sườn vào nồi với 1/2 lít nước, nêm mắm muối vừa ăn rồi ninh nhỏ lửa tới chín mềm.
Cà chua thái múi cau cho vào nồi nước canh sườn.
Thịt bò thái mỏng (hoặc có thể dùng mọc thay thế thịt bò cũng ngon miệng).
Gừng thái chỉ, ướp với thịt bò.
Chần bún cho vào bát to. Sau đó chần tiếp thịt bò tái để lên trên. Cho tiếp các loại rau gia vị và sườn, rồi chan nước, ăn nóng. Có thể vắt thêm chanh, tỏi ớt để có vị chua cay hấp dẫn.
Các món canh sườn nấu chua ăn với cơm cũng rất ngon miệng trong những ngày đông giá rét. Ảnh minh họa.
Các món canh sườn nấu chua trên có thể ăn với cơm cũng rất trôi cơm, hợp với mùa đông giá rét.
Hoặc nấu canh sườn sụn/ sườn non với dưa chua vị thanh nhẹ hấp dẫn ăn nóng với cơm nóng hổi cũng rất đưa cơm.
Hoặc món canh chua nấu cá basa vừa ngon miệng, vừa giải ngấy. Cá basa cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, bổ huyết, giảm đau nhức…
Lưu ý để có món canh sườn ngon:- Chọn sườn non, hoặc sườn nhiều sụn thì mới có thịt giòn mềm ăn ngon miệng.
- Ninh sườn đun lửa nhỏ liu riu thì nước trong và thơm.
- Đun sườn chín tới thì ăn thịt sẽ ngon ngọt.
- Không nên ninh nhừ quá ăn thịt sẽ bị nát, bã, xương có mùi nồng, không thơm nước.
- Nấu canh sườn bằng tai chua thì nước trong, màu hanh nâu đẹp mắt. Nếu nấu chua bằng sấu, khế chua thì nước hay bị đục.
Nguồn: [Link nguồn]
Canh cà tím chế biến theo cách này có vị ngọt lại xen lẫn chút cay cay, ăn cơm chắc chắn sẽ rất ngon.