Cháo rau đắng kèm cá lóc đồng
Người dân miền quê sông nước Cửu Long sáng sớm vác cuốc ra đồng thường hay ngâm nga câu ca dân dã: "Rau đắng ngọt lịm tình quê/ Anh đi lục tỉnh anh mê không về". Bởi dưới chân họ, ven đường đi, rau đắng đất mọc đầy, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng.
Ở miền Tây Nam bộ người ta phân biệt ra hai loại rau đắng: Đắng đất mọc trên gò đất, cọng nhỏ màu xanh nhạt pha sắc vàng hay trong vườn giữa các luống mía, luống khoai; còn đắng biển cọng tròn lớn hơn, màu xanh sậm hơn, thường thích nghi với các chỗ đất trũng xâm xấp nước. Cả hai loại rau trên đều ăn được, nhưng những ngày hè nóng nực, người ta thường chuộng hơn với loại đắng đất.
Rau đắng đất mọc hoang (ảnh tác giả)
Theo kinh nghiệm dân gian, rau đắng đất luôn có mặt trong tô cháo nấu với cá lóc dành cho người giải cảm. Đặc sản này nay đã có mặt hầu khắp trong các nhà hàng ở miệt này.
Rau đắng đất hái về chỉ cần rửa sơ qua cho những lá úng và đất bám theo rễ trôi đi, để ráo là có thể ăn dược ngay.
Thứ rau giản dị, mộc mạc này đã trở thành niềm thương nỗi nhớ, đi cả vào trong những câu hát của nhạc sĩ Bắc Sơn “Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Cá trê, cá lóc đồng làm sạch, bắc nồi bước sôi lên thả vào, nêm vừa ăn, rau đắng sắp sẵn vô tô, trút nước canh và cá ra tô ấy. Canh rau đắng ăn nóng, nhưng ít ai thả rau vô nồi nấu, bởi khi ấy rau sẽ bị nhừ, nhũn, lại đắng quá ăn không ngon.
Cháo cá lóc rau đắng đất (ảnh tác giả)
Nếu muốn ăn món rau đắng xào mỡ thì người ta chỉ dùng rau đắng biển, rau đắng đất ít ai ăn bằng cách này.
Độc đáo hơn, người dân quê miền Tây từ lâu đã dùng rau đắng đất ngâm rượu để dành uống. Rau nhổ nguyên cả bụi đem về rửa sạch rồi phơi cho khô. Cho cả cọng lẫn lá vào ngâm ngập trong chai rượu đế cao độ. Chừng vài ngày là rượu có thể uống được.
"Rau đắng kèm cá lóc đồng,
Rượu đắng nhưng lại ngọt lòng dân quê".