Cháo choạc choạc
Không biết tạo hoá sinh thế nào mà khi còn sống, cái xương sống của con choạc choạc có thể gập đôi mà không gãy. Nó còn nhảy rất xa và khoẻ. Cũng vì vậy mà người miền núi cho rằng ăn chúng để trị chứng đau lưng, mỏi gối.
Bát cháo choạc choạc |
Choạc choạc ở miền Trung có thân hình như con chàng hiu, nhưng chàng hiu còn có con lớn, còn choạc choạc lớn lắm cũng chỉ độ hai ngón tay là cùng. Da có màu đất, hai sọc vàng chạy trên lưng là hoa văn đặc trưng của con choạc choạc. Thịt choạc choạc ăn rất ngon, mềm, ngọt, xương rất nhỏ và nhiều dinh dưỡng, khoáng chất.
Choạc choạc được chế biến nhiều món như xào lăn với sả, chiên giòn, um nguyên con… nhưng phổ biến vẫn là nấu cháo. Choạc choạc cắt đầu, lột da, bỏ ruột và bốn bàn chân, rửa sạch, đem băm nhuyễn, ướp gia vị như đường, bột ngọt, hành, tiêu đâm nhỏ và ít bột nêm. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn, cho củ tỏi hay củ nén vào phi thơm, cho từng viên thịt choạc choạc đã bằm nhuyễn vào xào cho chín. Nấu nồi cháo trắng vừa chín tới thì trút hết thịt choạc choạc đã xào vào và trộn đều. Chờ cháo sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn cùng với rau thơm như ngò tây, hành lá thái nhỏ và thêm ít tiêu xay bột. Từng tô cháo nóng được múc ra thơm phức, toả mùi thơm ngào ngạt.
Choạc choạc phơi khô |
Người Cơ Tu gọi con choạc choạc này là ađrúc và xem con này rất quý, chế biến thành các món ăn ngon như ađrúc nướng trong ống lồ ô, um, chiên đãi khách quý. Trong các đám cưới truyền thống người Cơ Tu, ađrúc um, ađrúc phơi khô là một trong những “tặng phẩm” mà họ hàng nhà gái mang đến tặng cho họ hàng nhà trai nhân tiệc mừng đám cưới.
Già làng Đinh Văn Bớt (62 tuổi) ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) là “chuyên gia” đi bắt và chế biến các món ăn từ choạc choạc, cho biết: “Người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn có nhiều món ăn ngon được chế biến từ dòng họ ếch, nhái… riêng các món chế biến từ con ađrúc ăn rất thơm ngon và bổ dưỡng nên người Cơ Tu rất quý…”