Cháo ấu tẩu bên dòng sông Lô
Ấu tẩu có độc nhưng nếu được chế biến kỹ lưỡng sẽ có một món cháo ngon bổ.
Đến với Hà Giang – miền cực Bắc tổ quốc, du khách không những được chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ mà còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon, lạ mà chỉ nơi đây mới có. Cháo ấu tẩu là một trong số những của ngon vật lạ đó.
Cháo là vị thuốc như của… Thị Nở
Vào buổi tối nếu bạn dạo một vòng quanh thành phố Hà Giang nhỏ xinh, nơi dòng sông Lô chia đôi phố núi, chắc hẳn sẽ chứng kiến những hàng quán cháo ấu tẩu tấp nập khách đến ăn. Ngoài những cư dân sở tại, còn lại phần đông là khách du lịch lên đây. Theo bà Nguyễn Thị Hương (ngoài 60 tuổi), chủ quán thì cháo ấu tẩu được chế biến từ gạo nương và chân giò lợn nấu với củ ấu tẩu tạo thành món ăn độc đáo. Món cháo bắt nguồn từ một vị thuốc của đồng bào vùng cao.
Bà Hương kể, củ ấu tẩu được người Mông trồng nhiều trên núi, khi mới đào về củ có màu đen, vẻ ngoài gần giống như củ ấu ở vùng đồng bằng. Trong củ ấu tẩu có một lượng chất độc nếu không có kinh nghiệm hoặc sử dụng không đúng sẽ dễ gây ngộ độc cho người ăn. Ngoài ra, để “lấy độc trị độc” người dân tộc Mông thường đem ngâm củ ấu tẩu với rượu để thoa ngoài da, trị đau lưng, nhức xương. Và, nếu ai vô tình uống phải loại rượu đó thì toàn thân sẽ bị co giật, không cấp cứu kịp thời có thể gây chết người. Độc là thế nhưng lạ thay, vị thuốc này đã được chế biến thành món ăn ngon, độc đáo lại có tác dụng chữa bệnh. Tuy vậy, vị chủ quán này cũng khuyên, mỗi tuần chỉ nên ăn một đến hai lần thì tốt. Bà Hương cho biết, xưa kia món này được đồng bào Mông dùng làm thuốc giải cảm như tô cháo hành của Thị Nở “trị bệnh” Chí Phèo vậy. Về sau người ta thêm một số thực phẩm, gia vị khác để nấu thành cháo “đặc sản”.
Trong nồi cháo ấu tẩu hoà trộn nhiều nguyên phụ liệu: từ củ ấu tẩu, gạo nương, nếp cái hoa vàng, nước dùng cho đến thịt nạc băm, trứng gà... thật lạ miệng.
Có gạo nương và nếp cái hoa vàng
Nấu cháo ấu tẩu cũng cầu kỳ và nhiều công đoạn, trước tiên củ ấu tẩu phải ngâm kỹ trong nước vo gạo một đêm, đem ninh tới khi chúng mềm, bở tơi ra. Tiếp đến lấy gạo tẻ (loại gạo trồng trên nương), trộn thêm ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh. Rồi bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn trong vòng 3 – 4 giờ. Múc ra bát, rắc thêm hành, tiêu, rau mùi, trứng gà và thịt nạc thăn băm nhỏ lên, dậy mùi thơm ngay lập tức. Cháo ấu tẩu có màu nâu đậm, ăn thấy hơi đăng đắng, ngai ngái, bùi bùi, nếu lần đầu thấy hơi “nhát gan” nhưng ăn được một lần rồi lại… quen hơi. Bao nhiêu là vị từ đắng, bùi, dẻo đến vị ngọt nước xương ninh cùng với hương thơm cho cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Theo kinh nghiệm dân gian thì cháo ấu tẩu có tác dụng giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, xua tan mệt mỏi với người đi đường xa; khi ăn cùng lá tía tô lại có tác dụng giải cảm tốt. Ngoài ra, một số người còn rỉ tai: đây là cháo “ông ăn bà khen”.
Đến Hà Giang, bạn có thể thưởng thức cháo ấu tẩu suốt bốn mùa. Dân gian cho rằng, cháo chữa bệnh tốt vào ban đêm khi chúng ta ngủ, nên các hàng cháo ở Hà Giang thường đông khách tới tận khuya và đặc biệt cháo chỉ bán vào buổi tối. Ngồi trong quán nhỏ nơi phố xuýt xoa với tô cháo ấu tẩu nóng hổi, thơm ngát, thêm một chút rượu ngô mềm môi thật thú vị.