Chàng trai chế biến món ăn từ lông gà
Nhà nghiên cứu thực phẩm trẻ tuổi người Thái Lan thu hút nhiều sự chú ý sau khi sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn chế biến từ lông gà.
Sorawut Kittibanthorn (30 tuổi, đến từ Thái Lan) cho biết đã chuyển đổi thành công thành phần dinh dưỡng tìm thấy trong lông gà thành dạng bột và có thể dùng để chế biến những món ăn ngon miệng, ít chất béo mà không cần thịt.
Sorawut cho hay, lông gà cũng chứa protein, nếu việc sử dụng lông gà như một nguyên liệu thực phẩm trở nên phổ biến đồng nghĩa với lượng lông gà hàng ngày đáng lẽ bị thải ra môi trường có thể được tái sử dụng.
Chàng trai người Thái Lan nảy ra ý tưởng biến lông gà thành thực phẩm sau khi biết mỗi năm ở châu Âu có khoảng 2,3 triệu tấn lông vũ bị vứt bỏ. Con số này ở châu Á còn có thể cao hơn tới 30% bởi các sản phẩm gia cầm được tiêu thụ nhiều hơn ở khu vực này.
Sorawut biến lông gà trở thành thực phẩm bằng cách tách keratin (một loại protein có trong tóc và móng tay) sau đó tiến hành quy trình 13 bước biến protein thành dạng có thể tiêu hóa được và thành công thu được loại bột trắng mịn.
"Tôi thấy bột mịn, có vị béo, ngọt và cảm giác như đang ăn thịt thật vậy. Lần đầu ăn thử, tôi không thể tưởng tượng được rằng lông gà lại có thể biến tấu thành thức ăn như thế này. Tôi tin rằng món ăn này sẽ trở nên phổ biến và được phục vụ ở nhiều nơi như nhà hàng Michelin hoặc những nhà hàng cao cấp", blogger ẩm thực Cholrapee Asvinvichit nhận xét.
Giáo sư khoa học thực phẩm Hathairat Rimkeeree từ ĐH Kasetsart cho hay: "Ban đầu tôi rất bất ngờ khi lông gà có thể chế biến thành thức ăn. Nhưng sau khi thưởng thức thì tôi nhận ra thực sự nó có thể ăn được. Tôi nghĩ nó có tiềm năng trở thành nguồn thức ăn thay thế trong tương lai".
Những món ăn từ lông gà của Sorawut đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Anh hy vọng trong tương lai các sản phẩm này sẽ xuất hiện tại nhiều nhà hàng ăn chay. Bởi dù không được làm từ thực vật nhưng những loại thực phẩm được chế biến từ lông gà cũng có thể xem là các món ăn chay.
Nguồn: [Link nguồn]
Những món ăn này có thể rất đáng sợ với nhiều người, nhưng ở châu Phi nó lại là đặc sản.