Cách muối dưa hành, củ kiệu trắng giòn cho ngày Tết
Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, xin giới thiệu tới các bà nội trợ cách muối dưa hành, làm củ kiệu ngâm chua ngọt, trắng giòn cho ngày Tết tròn vị.
1. Cách muối dưa hành trắng giòn
Nguyên liệu:
- 1 kg hành củ trắng hoặc tím
- Đường; muối; gừng; ớt
Cách thực hiện:
- Ngâm hành vào nước gạo trong khoảng khoảng 1 ngày cho phai bớt vị hăng và sạch đất.
- Sau đó, vớt hành ra, bóc lớp vỏ khô bên ngoài, cắt bớt rễ, để lại gốc hành để tránh bị ủng. Để hành khô ráo nước.
- Cho hành vào vại sành hoặc lọ thủy tinh cùng khoảng 200g muối, xóc đều và để trong khoảng 2-3 ngày. Thỉnh thoảng xóc đều để hành ra bớt nước đen. Sau đó, đổ hành ra rổ, để ráo nước. Lúc này phần nước đen đã ráo hết, khi muối hành nước sẽ trong và thơm.
- Khi hành ráo nước thì cho vào vại hoặc lọ, cho thêm gừng đập dập và ớt, pha chút đường với nước ấm cùng chút muối rồi đổ ngập hành, đảo đều rồi nếm thử cho vừa độ mặn ngọt.
- Cuối cùng chỉ cần đậy kín lại, để trong khoảng 7-10 ngày là bạn đã có thể lấy hành ra dùng. Món dưa hành trắng giòn từ xưa đã trở thành một vị không thể thiếu trong ngày Tết.
Dưa hành và kiệu ngâm chua ngọt từ lâu đã là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền
2. Cách ngâm củ kiệu chua ngọt
Nguyên liệu:
- 1kg củ kiệu
- 1/2 kg đường, giấm nuôi, cục phèn chua (bằng một lóng tay), một thìa cà phê muối, một củ tỏi.
Thực hiện:
- Chọn loại kiệu Huế, tuy làm lâu nhưng lại giòn và ngon hơn kiệu lá hay kiệu trâu. Kiệu Huế có phần thân kiệu nở, thắt eo rõ rệt và đuôi kiệu mảnh. Kiệu trâu có thân hình dài dần, đuôi kiệu to không có nút thắt eo như kiệu Huế.
- Củ kiệu rửa sạch đất, trộn 1/2 chén muối, đổ nước xâm xấp, ngâm kiệu 12 tiếng và đem rửa sạch nhiều lần. Ngâm tiếp vào nước phèn chua rồi phơi nắng một giờ và xả sạch nhiều lần.
- Đem kiệu cắt chân và lá gọn gàng.
Cách 1: Ngâm kiệu trong nước đường
- Muốn món kiệu giòn và để được lâu bạn cho đường vào trộn sao cho đường thấm kiệu rồi để 7 - 14 ngày. Khi đó món kiệu sẽ chua tự nhiên, rất giòn, trong và để lâu không bị chua đậm hay hóa rượu. Sau đó nấu giấm nuôi nấu sôi để thật nguội cho một ít kiệu đã ướp đường vào ngâm.
- Lưu ý: Trong quá trình ướp kiệu thỉnh thoảng ta rưới nước đường lên kiệu và đạy kín, để thật vệ sinh.
Cách 2: Nấu hỗn hợp dấm đường ngâm kiệu
- Nấu một chén dấm + một chén đường đầy +1/3 muỗng cà phê muối nấu tan đường, tắt bếp, để thật nguội. Sau đó xếp kiệu vào keo. Chế dấm đường vào, để khoảng 2 tuần là có thể dùng được.
- Lưu ý: Dùng bao nylon sạch, bỏ vào một chút nước, cột bao lại, bỏ lên trên kiệu để tránh trường hợp kiệu bung lên không ngập trong nước. Khoảng 2 tuần sau, nước kiệu sẽ ra. Vì thế nhìn vào kiệu sẽ trong và đẹp.
- Nếu các bạn muốn hũ kiệu thật đẹp thì nên thay 2 lần nước kiệu: Lần đầu: Nấu một chén dấm + một chén đường đầy +1/4 muỗng cà phê muối nấu tan, để thật nguội, ngâm kiệu khoảng một tuần. Sau đó đổ nước đi và thay thế bằng lần nước thứ 2 (một chén dấm +1 chén đường đầy +1/3 muỗng cà phê muối) rồi ngâm thêm một tuần nữa là có thể dùng được).
Chúc các bạn muối dưa hành, ngâm củ kiệu và nấu cỗ Tết thành công!