Cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm
Bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm kiểu truyền thống vẫn luôn được lòng người thưởng thức nhất.
Cứ trước Trung thu cả một tháng trời mình đã chuẩn bị đồ để làm cho gia đình những mẻ bánh đầu mùa. Cảm giác thưởng thức miếng bánh Trung Thu sớm hơn chính vụ khiến mình rất thích thú.
Có lẽ là do một năm mới có một dịp để làm nên mình háo hức hơn hẳn. Mình chia sẻ cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm để chị em đều có thể tự tay làm cho gia đình và người thân nhé!
Nguyên liệu:
Phần nhân bánh thập cẩm:
- 100gr hạt điều rang bóc vỏ
- 100gr mứt bí
- 100gr mứt sen
- 100gr hạt dưa rang bóc vỏ
- 80gr vừng rang- 3 chiếc lạp xưởng
- 100gr mỡ đường
- Trứng muối (nếu thích)
- 8-10 lá chanh
Phần làm chất kết dính của nhân:
- 70ml rượu mai quế lộ (một loại rượu thơm dùng để làm gia vị nấu ăn)
- 1 thìa cà phê con nước đường
- 1 thìa cà phê con dầu hào
- 70ml nước lọc- 1/2 thìa ngũ vị hương
- 70gr bột nếp rang
Phần làm vỏ bánh:
- 500gr bột mỳ
- 1/3 thìa cà phê banking soda
- 350gr nước đường, 1 thìa cà phê nước tro tàu, 100gr dầu ăn, 1 lòng đỏ trứng gà loại to (nếu trứng gà ta nhỏ dùng 2 lòng đỏ), 1 muỗng cà phê rượu mai quế lộ, vài giọt màu dừa (nếu có)
Hỗn hợp quét mặt bánh: 2 lòng đỏ trứng; 1 muỗng cà phê dầu ăn; 1/2 muỗng cà phê nước màu dừa
- Đánh tan hỗn hợp này và lọc lại qua rây. Ngoài ra mình cũng hướng dẫn qua cách làm mỡ đường và nước đường bánh nướng, nhân đậu xanh như sau:
- Mỡ đường: Mỡ phần thái hạt lựu. Đun sôi nước rồi luộc mỡ khoảng 3 phút, sau đó đổ mỡ ra rổ cho ráo nước. Mỡ ráo trộn mỡ với đường tỷ lệ đường gấp đôi tỷ lệ mỡ. Để mỡ chỗ thoáng mát cho chuyển màu trong là được. Nên ướp mỡ đường trước một ngày khi làm bánh.
- Nước đường bánh nướng: 1kg đường vàng, 1kg nước, 1/8 quả dứa (để nguyên miếng), nước cốt một quả chanh.
- Cho chung tất cả một nồi cho lên bếp nấu sôi cho tan đường.
- Giảm bớt lửa và nấu trong 1 giờ. Sau cùng cho 50 gr mạch nha và tiếp đến khi đường cô đặc chỉ còn khoảng 1.4kg là được. Thường mọi người nấu trước nước đường cả một tháng trời trước khi làm bánh.
Cách sên đậu xanh bánh trung thu:
- Bạn dùng 200 gr hạt đậu xanh đã đãi vỏ, rửa sạch. Cho đậu xanh vào nồi đổ lượng nước lạnh gấp 3 lần lượng đậu và đun to lửa.
- Khi nước đậu sôi thì nhớ hớt bọt, nước cạn dần, hạ bớt lửa và chú ý phải quấy đậu để ko bị dính vào đáy nồi. Không để nước cạn quá mặt đậu, đun đến khi đậu chín mềm có thể dùng thìa miết nát được thì nhấc đậu ra để đi xay nếu khô có thể cho thêm ít nước.
- Đậu xay mịn cho lại vào chảo chống dính để lửa vừa để đậu sánh lại bạn cho 100 gr đường vào đảo đều. 90 gr dầu ăn bạn chia ra làm 3 phần, bạn cho dần vào làm ba lần trong quá trình sên nhân mỗi lần cách nhau 15 phút. Khi cho lần dầu vào bạn ngoáy đều để đậu xanh được hoà trộn với dầu và nhớ sên trong lửa nhỏ.
- Cứ như vậy sau ba lần trộn dầu bạn được một khối đậu kết dính dẻo và bóng. Lúc này bạn rắc từ từ 10 gr bột nếp vừa rắc vừa trộn để đậu xanh tăng độ kết dính hơn. Đảo thêm một lúc nữa là bạn đã sên xong nhân đậu xanh cho bánh trung thu. Tổng thời gian sên khoảng 1 giờ đồng hồ bạn nhé!
Nguyên liệu đã chuẩn bị xong giờ bắt đầu vào các khâu làm bánh:
Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu trộn nhân như trên, trong đó lạp xưởng luộc chín, để ráo thái hạt lựu.
Bước 2: Cho hạt điều, mứt sen, lạp xưởng, mứt bí, hạt bí vào cối xay sơ như vậy các nguyên liệu có kích cỡ phù hợp và hoà quyện hơn. Sau khi xay sơ mới trộn vừng rang, mỡ đường và lá chanh thái sợi vào trộn đều.
Bước 3:
- Pha hỗn hợp rượu, ngũ vị hương, nước đường, dầu hào nước lọc hoà quyện. Chia hỗn hợp này làm ba phần và bột gạo nếp cũng vậy.
- Cứ đổ một lượt hỗn hợp trên lại rắc một lượt bột nếp và trộn đều. Làm như vậy cho đến hết, lúc này nhân đã có độ kết dính.
Bước 4:
- Chia tỷ lệ nhân và vỏ như sau: Nhân chiếm 2/3, vỏ 1/3 trọng lượng bánh. Chia nhân theo trọng lượng phù hợp với khuôn bánh rồi viên tròn.
- Nhân bánh đậu xanh cũng có khối lượng tương tự với nhân thập cẩm.
Bước 5: Cho bột và backing soda trộn đều, khoét lỗ tròn ở giữa rồi cho phần nguyên liệu còn lại vào giữa. Dùng thìa cứng khuấy dần từ trong ra ngoài. Nhào bột nhanh đến khi hỗn hợp hoà trộn.
Bước 6: Sau đó bọc khối bột lại ủ trong 30 phút.
Bước 7: Sau khi bột ủ xong bạn rắc ít bột mỳ khô ra bàn cán, để một lớp thật mỏng, chia khối bột theo tỷ lệ như trên, viên tròn rồi cán bột thành miếng mỏng.
Bước 8: Đặt nhân vào giữa rồi bọc kín lại.
Bước 9: Lắp khuôn cho khối bánh vừa viên vào khuôn rồi ấn nhẹ nhàng cho ra hoa văn là được. Chú ý khuôn bánh phải được xử lý chống dính bằng 1 trong 2 cách sau: Hoặc là xoa một lớp dầu mỏng vào khuôn bánh, hoặc dùng bột mỳ khô phủ một lớp mỏng vào khuôn trước khi đóng bánh.
Bước 10:
- Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trước 10 phút.
- Cho bánh vào lò, nướng khoảng 10 phút, nhấc bánh ra cho tiếp mẻ thứ 2 vào lỏ. Mẻ 1 bỏ ra ngoài xịt một lớp nước nhẹ trên vỏ mặt bánh.
Bước 11:
- Bánh nguội, thì dùng chổi lông mềm chấm nhẹ vào hỗn hợp quết mặt bánh và bắt đầu quết nhanh lên mặt bánh. Chú ý không để trứng bám quá dày lên mặt bánh và ko quết mạnh tay sẽ bị mất hoa văn bánh.
- Sau 10 phút ta rút mẻ bánh thứ 2 ra cho lại mẻ bánh đầu tiên vào lại trong lò. Nướng 10 phút ta lại lập lại quy trình như trên. Làm như vậy tổng cộng 3 lần là bánh chín. Lần nướng cuối bạn để ý sau khi nướng khoảng 10 phút mà bạn muốn có màu đẹp hơn thì có thể nướng lâu hơn một chút.
- Bánh mới nướng có thể hơi cứng nhưng sau 1 ngày bánh sẽ xuống dầu và có màu nâu bóng đẹp.
- Lúc này bạn có thể cắt miếng bánh mời người thân trong nhà, hoặc có thể cho bánh vào hộp và đóng gói để gửi những chiếc bánh nướng Trung Thu nhân thập cẩm cho những người bạn yêu quý thưởng thức.
Món quà đấy sẽ làm những người thưởng thức bánh của bạn rất thích thú phải không nào
Chúc bạn thành công và ngon miệng với cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm!