Cách bày mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên 4 ngày Tết

Sự kiện: Món ngon ngày Tết

Ngày Tết các gia đình Việt không thể thiếu mâm cỗ cúng gia tiên (tổ tiên) nhưng tập tục cúng gia tiên có từ bao giờ, cách bày mâm cỗ cúng gia tiên hay trình tự cúng thế nào thì không phải ai cũng biết đầy đủ.

Cách bày mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên 4 ngày Tết - 1

Tục cúng gia tiên của người Việt

Cúng gia tiên là cúng tổ tiên trong nhà, là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu để tỏ lòng nhớ ơn nguồn cội của mình "Cây có cội nước có nguồn".

Cúng gia tiên là một cái đạo "Đạo thờ cúng ông bà", gọi tắt là đạo ông bà. Đạo ở đây không phải là tôn giáo vì không có giáo chủ, môn đệ... .mà chỉ là "đạo làm người" trong gia đình, lấy tình cảm và sự liên hệ máu mủ ruột thịt trong gia đình làm chủ yếu.

Cúng gia tiên là thể hiện sự hiếu thảo và tình thương yêu của con cháu đối với người quá cố. Cúng gia tiên trong 3 ngày Tết bày tỏ lòng tri ân, thương nhớ của con cháu đối với tổ tiên nguồn cội. Việc cúng kính không chú trọng ở hình thức mâm cao cỗ đầy mà chú trọng ở nội dung, đó là tấm lòng thành kính tri ân thương nhớ và noi gương. Vua Hùng Vương thứ 6 không chọn cao lương mỹ vị để cúng gia tiên mà chọn bánh chưng bánh dầy là món đơn sơ giản dị nhưng hàm chứa nội dung ý nghĩa sâu sắc.

Khi cúng, gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, lên đèn, đốt hương, đánh chuông, hai tay chắp lại đưa lên ngang trán và khấn, khi khấn nêu ngày tháng, làng xã, tên mình, tên vợ con, tên người quá cố, lễ vật cúng, lý do cúng, cầu nguyện... rồi tùy theo vị trí lớn nhỏ của mình đối với người quá cố, nếu nhỏ thì lạy 4 lạy hoặc vái 4 vái. Việc cúng kính tuỳ thuộc vào đức tin và đời sống đạo đức của mình.

Cách bày mâm cỗ cúng gia tiên 3 ngày Tết

Mâm cơm truyền thống đầu năm mới của người Việt thường có bốn bát và bốn đĩa. Bốn bát gồm: 1 bát chân giò lợn nấu măng, 1 bát miến, 1 bát mọc nấm và 1 bát bóng thả. Bốn đĩa gồm: 1 đĩa thịt gà (thịt lợn), 1 đĩa giò (chả), 1 đĩa nem thính (có thể thay bằng đĩa xào) và 1 đĩa dưa muối. Ngoài ra còn có một đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm, tổng cộng là tròn mười món.

Mâm cỗ lớn thì có 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.

Mâm cơm đầu năm của người miền Bắc thường được chuẩn bị rất công phu, kĩ càng. Thịt gà phải là thịt gà trống choai, được chọn lựa cẩn thận: mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Người Việt Nam quan niệm: cựa gà có đẹp thì cả năm mới sung túc, ấm no. Gà được thịt để cúng giao thừa, sau đó chia cho con cháu ăn hưởng lộc. Thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ (thường 1/3 mỡ, 2/3 nạc), dầy mình, vuông vắn. Giò có thể là giò nạc, giò lụa, miếng giò chắc, thơm ngọt. Giò được gói tròn. Trong mâm cơm có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, khoanh giò tròn tượng trưng cho trời, thể hiện sự hoà hợp, cân bằng giữa trời đất và con người. Âm dương cân bằng, gia chủ mới mạnh khoẻ, con cháu ngoan hiền, làm ăn phát đạt. Mâm cơm đầu năm còn có đĩa xôi. Xôi đầu năm mới phải là xôi gấc hoặc xôi đỗ. Màu đỏ của gấc, màu vàng ruộm của đỗ thể hiện niềm tin, hi vọng của gia chủ vào một năm mới làm ăn thành công, gặp nhiều may mắn.

Trình tự cúng 4 ngày Tết

Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau.

Chiều 30 Tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết. Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới.

Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.

Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện.

Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (Gia đình & Xã hội)
Món ngon ngày Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN