Cách bảo quản và sử dụng gia vị tốt nhất bạn nên biết
Việc sử dụng gia vị quá hạn có thể không gây bệnh cho bạn nhưng nó sẽ làm giảm hương vị món ăn rất nhiều. Vậy, làm thể nào để bảo quản và sử dụng gia vị đúng cách?
Thời hạn sử dụng của gia vị
Gia vị thường được làm từ rễ, vỏ hoặc thân khô của thực vật trong khi thảo mộc là lá tươi hoặc khô của thực vật.
Thảo mộc khô như húng quế, rau kinh giới, xạ hương, thì là, mùi tây, bạc hà, … thường để được từ 1 đến 3 năm.
Gia vị khô dạng xay bao gồm bột tỏi, quế xay, bột nghệ, bột gừng, ớt bột,… có thời hạn sử dụng từ 2 tới 3 năm.
Gia vị nguyên hạt, nguyên quả phơi khô để được lâu nhất.
Muối là ngoại lệ khi không có thời hạn sử dụng.
Dấu hiệu gia vị bị hỏng
Khi một loại gia vị được cho là đã hỏng có nghĩa đã mất hầu hết hương vị, màu sắc.
Nếu không chắc đã để gia vị trong bao lâu, bạn có thể kiểm tra mùi vị bằng cách nghiền hoặc xoa một lượng nhỏ trong lòng bàn tay. Nếu mùi hương yếu và độ tỏa hương mờ nhạt thì nên được thay thế ngay.
Cách bảo quản tốt nhất
Giảm thiểu sự tiếp xúc với không khí, nhiệt độ cao, ánh sáng và độ ẩm.
Nên để các lọ gia vị ở nơi mát mẻ, khô ráo và tối như ngăn kéo hoặc tủ đặt cách xa bếp nấu hoặc lò nướng. Đảm bảo nơi bảo quản gia vị phải được vệ sinh sạch sẽ, các loại gia vị được phân loại và sắp xếp ngăn nắp, khoa học
Hộp đựng tốt nhất nên bằng thủy tinh hoặc gốm dễ làm sạch, ít để lọt không khí và độ ẩm. Ưu tiên sử dụng các loại chai, lọ, bình đựng kín đựng gia vị, đảm bảo không bị bay mùi thơm, chảy nước hay vón cục, mốc, ẩm...
Các loại gia vị có màu sắc như ớt bột sẽ giữ được sắc tố lâu hơn nếu cất trong tủ lạnh. Tương tự, bảo quản gia vị có chứa dầu, chẳng hạn như mè, trong tủ lạnh đê tránh bị ôi thiu.
Nếu bạn nhận thấy nấm mốc trong bất kỳ hộp đựng gia vị, hãy loại bỏ ngay.
Sử dụng một số gia vị hợp lý
Tỏi
Tỏi là loại củ nặng mùi được xem là gia vị “thân thiết” nhất của những món thịt và rau xanh. Với rau xào, tỏi sẽ được cho vào lúc dầu ăn vừa nóng để khử mùi và tạo độ thơm cho món ăn. Thông thường, tỏi được giã hoặc bằm nát rồi cho vào thịt bò, heo, gà trong quá trình sơ chế. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều tỏi vì mùi tỏi sẽ lấn át mùi thơm của thịt. Tỏi thích hợp với các món xào, hầm hoặc thịt chiên.
Gừng
Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men Zingibain làm thịt nhanh mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và dùng luôn vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị. Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.
Ớt bột
Nếu muốn sử dụng gia vị để làm cho món ăn có thêm chút màu sắc thì ớt bột là một lựa chọn phù hợp. Mùi vị của ớt bột không quá cay nồng như ớt tươi nên sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn.
Tiêu
Tiêu xay được chế biến từ những hạt tiêu khô xay nhuyễn. Chúng vẫn được dùng để nêm cho hầu hết các món ăn, đặc biệt là súp và món kho. Không chỉ giúp tạo mùi thơm cho món ăn, tiêu xay còn mang đến hương vị tự nhiên, giúp món ăn đậm đà hơn. Nếu vừa mới được xay, tiêu sẽ rất thơm. Càng để lâu, mùi thơm sẽ mất dần theo thời gian. Do đó, bạn chỉ nên mua từng ít một để dùng. Khác với tiêu xay, tiêu hạt lại thường được dùng khi còn xanh và thích hợp cho các món hầm.
Mật ong
Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ô-xy hóa, a-xít béo, a-xít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.
Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất nên bỏ đi.
Muối
Muối được xem là một trong những loại gia vị không thể thiếu khi nấu nướng, muối mang lại độ mặn cho món ăn. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều, sẽ rất khó ăn. Thói quen ăn mặn cũng không tốt cho sức khỏe vì chúng làm tăng hàm lượng natri trong cơ thể, dẫn tới những căn bệnh khá nguy hiểm. Trong các loại muối, muối biển luôn là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ vì chúng có hàm lượng natri thấp, lại chứa i-ốt. Muối thích hợp với các loại thực phẩm như trứng, thịt gia cầm, cá, hải sản và súp.
Đường, mì chính (bột ngọt)
Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, không nên cho mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70-80 độ C.
Đồng thời, người nội trợ nên dùng một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.
Giấm
Đây là loại gia vị giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt thường cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống. Khi chế biến các món, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.
Nguồn: [Link nguồn]
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, một số loại gia vị thường dùng trong bữa ăn người Việt thường được tích trữ lâu ngày, ăn vào rất hại cho gan.