Các món ăn ngon, hấp dẫn từ chân gà để nhấm nháp siêu đã

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chân gà là một món ăn khoái khẩu của nhiều người, không chỉ vì độ giòn dai mà chân gà còn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như chân gà sả tắc, nộm chân gà, chân gà hấp hành, chân gà chiên sả ớt, chân gà sốt chua cay, chân gà rang muối…

Chân gà ngâm sả tắc

Nguyên liệu: Chân gà, sả cây, quất (tắc), ớt sừng, tỏi, lá chanh, mắm, giấm, đường, đá lạnh, rượu trắng, gừng, muối, chanh.

Cách chế biến chân gà: Chân gà cắt móng, chặt đôi. Để thực hiện cách làm chân gà này các bạn dùng rượu trắng, gừng giã nhỏ, chanh, muối, nước chanh chà, bóp cho sạch gà. Cố gắng chà rửa thật sạch để khử mùi và làm trắng chân gà. Sau đó rửa sạch nhiều nước, để ráo.

Rửa sạch sả rồi lấy phần thân thái lát mỏng. Sau khi cắt hết phần thân to, giữ lại phần ngọn phía trên. Lá chanh rửa sạch rồi cũng thái sợi, để một ít nguyên lá. Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng. Quất rửa sạch, cắt lát, bỏ hạt.

Nấu nồi nước sôi cùng lá chanh và sả, khi sôi thì cho chân gà vào luộc trong khoảng 7-10p. Vớt ra rửa bằng nước sôi để nguội cho sạch nhớt, sạch nhớt thì khi ngâm nước không bị đông lại, tiếp theo là rửa nhanh lại. Sau đó cho chân gà vào ngâm trong thau nước đá có vắt chanh, thau nước đá phải ngập chân gà. Ngâm trong khoảng 30-45p. Khi sờ thấy chân gà lạnh cứng thì vớt ra, xóc cho ráo hết nước rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh trong 2h.

Chân gà ngâm sả tắc là món ăn vặt rất thích hợp để nhâm nhi cùng bạn bè và gia đình. Ảnh: Đinh Huế

Chân gà ngâm sả tắc là món ăn vặt rất thích hợp để nhâm nhi cùng bạn bè và gia đình. Ảnh: Đinh Huế

Cách làm nước ngâm: 1 bát con mắm, 1 bát con giấm nuôi, 1 bát con đường (nếu sử dụng dấm khác thì các bạn cho thêm đường) canh chỉnh sao cho nước nó có vị mặn và chua ngọt. Đừng làm vừa miệng vì cho chân gà và các gia vị khác vào nó sẽ bị nhạt, nấu sôi để nguội. Khi nước mắm nguội hoàn toàn, cho tỏi, ớt, sả vào cùng. Xếp chân gà vào hộp, cho tắc vào sau đó đổ nước mắm tỏi ớt ngâm gà vào ngâm 1-2h, cho lá chanh vào trộn đều.

Chân gà sốt Thái cóc non 

Nguyên liệu: Chân gà, cóc non, tắc, tỏi, hành tím, sả cây, ớt sừng, muối tôm, ớt khô, tương ớt, bột ớt, nước mắm, dầu ăn, đá viên, muối/ đường.

Cách chế biến: Chân gà mua về chần qua nước sôi và ngâm rửa với nước muối, sau đó rửa lại với nước sạch để khử mùi hôi và làm sạch chân gà. Cắt chân gà thành khúc vừa ăn.

Tỏi đập dập và băm nhuyễn, hành tím cũng đập dập và băm nhuyễn, giữ lại 3 củ đập dập không băm để luộc chân gà. Tắc bạn chia làm 2 phần, 1 phần vắt lấy nước, 1 phần cắt thành khoanh tròn, bỏ hạt để trộn không bị đắng. Ớt bỏ cuống, rửa sạch và cắt lát.

Cóc mua về gọt vỏ rửa sạch và cắt làm đôi. Sả thì bạn cắt khúc, chừa lại 3 tép đập dập để luộc chân gà. Chuẩn bị 1 nồi nước sôi, để sả, củ hành tím đã đập dập vào nồi. Tiếp đó cho chân gà vào luộc trong vòng 15 phút.

Vớt chân gà ra và cho đá viên vào ngâm trong 10 phút để chân gà săn lại và giòn. Sau đó vớt chân gà ra để cho ráo nước.

Cách làm sốt Thái: Cho 1 cái nồi lên bếp, cho vào 5 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu sôi thì cho phần hành tím và tỏi đã băm vào phi cho vàng thì hạ nhỏ lửa và cho tiếp 250 gram đường, 2 muỗng canh muối tôm, 2 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh ớt khô, 1 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh bột ớt, dùng đũa trộn đều.

Chân gà sốt Thái trộn cóc non.

Chân gà sốt Thái trộn cóc non.

Tiếp đó cho 180ml nước lọc vào, nấu với lửa vừa trong 3 phút cho phần sốt sánh lại thì tắt bếp. Tiếp đó, cho phần nước tắc vào, để nguội. Cho chân gà vào 1 cái tôt, đổ lần lượt sả, tắc, cóc và nước sốt vào. Dùng tay trộn cho phần chân gà thấm đều gia vị. Đem ướp trong vòng 4 - 5 tiếng để chân gà được ngon hơn.

Nộm chân gà rút xương

Luộc chân gà chín tới, vớt ra ngâm với nước lạnh. Sau vài phút, chân gà nguội thì để ráo và cất vào ngăn mát tủ lạnh vài giờ để phần da săn dẻo lại, khi lọc không bị nát. Chú ý chỉ luộc 1 nước để dễ rút xương hơn.

Khía từng ngón chân gà sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái đẩy phần da ở đầu móng chân gà xuống lộ ra đốt xương đầu tiên, vặt bỏ rồi tiếp tục làm tương tự như vậy cho đến khi hết xương ngón chân, tách phần da ra, gân giữ lại. Làm tương tự với phần cổ chân.

Khi luộc cho thêm 1 chút gừng đập dập để chân gà thơm hơn. Chân gà có thể để nguyên hoặc cắt dọc theo chân thành miếng nhỏ hơn tùy khẩu vị. Cà rốt nạo nhỏ, cho ngâm cùng 1 chút đường, giấm và 1 chút muối. Băm nhỏ tỏi, ớt, gừng.

Nộm chân gà rút xương.

Nộm chân gà rút xương.

Ướp chân gà với 1 thìa cà phê bột canh, 1 nửa chỗ hỗn hợp tỏi ớt gừng vừa băm (một nửa để riêng ra), 2 thìa cà phê đường,1 quả chanh. Có thể nêm nếm gia vị cho vừa miệng và hợp khẩu vị. Để chân gà cho ngấm gia vị. Rắc thêm một chút vừng vào cho bùi.

Dưa chuột rửa sạch ngâm trong nước muối 15 phút, bỏ ruột thái mỏng (có thể để cả vỏ hoặc gọt vỏ). Xu hào, hành tây mỏng.

Trộn su hào, cà rốt, hành tây, dưa chuột cùng với 1 thìa cà phê bột canh, 2 thìa cà phê đường, ½ quả chanh, ½ chỗ gia vị ớt, tỏi gừng lúc trộn với chân gà còn lại, trộn đều các nguyên liệu và gia vị với nhau. Để ngăn mát tủ lạnh cho nộm giòn trước khi ăn khoảng 10 - 15 phút.

Pha nước gia vị cho nộm chân gà gồm: Tỏi, ớt giã nhuyễn, pha hai thìa canh nước mắm, hai thìa canh đường và 1.5 thìa canh giấm (có thể bớt giấm cho 1 chút chanh cho thơm). Khuấy đều cho đường tan, thêm tỏi ớt băm nhỏ vào bát nước mắm. Rưới 2/3 lượng nước trộn gỏi vào bát đựng hành tây và cà rốt, trộn đều cho ngấm.

Cho chân gà rút xương vào trộn đều cùng với hành tây và cà rốt, thêm rau răm. Bày gỏi ra đĩa, rắc vừng trắng lên trên để tăng mùi vị, món gỏi của chúng ta sẽ thơm ngon hơn.

Sake là loại quả có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đồng thời có thể chế biến thành không ít món ngon, hấp dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Huế (t/h) ([Tên nguồn])
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN