Cá trắm sông Đà hấp loại lá đắng ngắt, khách nhăn mặt rồi gật gù khen ngon

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Khi nghe giới thiệu món cá trắm hấp lá đu đủ tại Mai Châu (Hòa Bình), nhiều vị khách lăn tăn về hương vị bởi lá đu đủ thường rất đắng, khó ăn.

Tới Hòa Bình, du khách thường không thể bỏ qua những món đặc sản được làm từ các loại cá có cân nặng "khổng lồ", nổi tiếng chắc thịt, thơm ngon ở sông Đà như cá trắm, cá măng, cá lăng, cá chép...

Cá trắm sông Đà đồ (hấp) lá đu đủ là một đặc sản luôn xuất hiện trong những mâm cơm ngày lễ, Tết, mừng cơm mới của bà con dân tộc Thái. Ngày nay, món ăn này được đưa vào các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng để phục vụ du khách phương xa.

Thoạt đầu, khi nghe tên, nhiều du khách lăn tăn về hương vị món ăn, bởi lá đu đủ rất đắng, khó ăn, chủ yếu dùng làm thuốc. Hình thức món cá trắm hấp lá đu đủ cũng không hấp dẫn: Cá được bọc trong những chiếc lá ngả màu, gói sơ sài.

Chỉ tới khi người phục vụ nhẹ nhàng tách lớp vỏ lá, thực khách mới thấy những khúc cá dày mình, thịt trắng tinh, bốc khói nghi ngút hiện ra và mùi hương ngầy ngậy, hơi ngái xộc vào mũi, kích thích khứu giác. 

Theo chị Lò Hương Giang, người dân tộc Thái tại xã Xăm Khòe (Mai Châu, Hòa Bình), hiện là đầu bếp tại địa phương, nguyên liệu của món ăn này gồm cá trắm (con từ 3kg trở lên, thường chọn khúc phía thân trên, sát đầu để ít xương và bụng cá rộng), lá đu đủ đực không quá non, không quá già và một số loại rau thơm, gia vị như húng chó, mùi, thì là, hành lá, sả, gừng, mắc khén, ớt, tiêu, hành khô.

Khúc cá trắm tươi được tẩm ướp các gia vị đặc trưng của Tây Bắc.

Khúc cá trắm tươi được tẩm ướp các gia vị đặc trưng của Tây Bắc.

Cá trắm sông Đà được làm sạch, cắt thành khúc dày, cỡ 2/3 gang tay người trưởng thành. Đầu bếp tẩm ướp và nhồi vào khúc cá hỗn hợp gừng, sả, ớt, hành khô, tiêu, lá đu đủ non, để khoảng 2 tiếng cho ngấm.

Phần lá đu đủ đực "bánh tẻ" được dùng để bọc kín khúc cá rồi thêm lớp lá chuối đã hơ lửa, gói gọn gàng như chiếc bánh chưng. "Lớp lá này bọc lớp lá kia để khi hấp, nước cá không chảy ra ngoài, mất đi hương vị thơm ngon vốn có", chị Giang nói. Cũng có nơi, đầu bếp cắt nhỏ lá đu đủ rồi bọc xung quanh khúc cá, trước khi gói lại bằng lá chuối.

Gói cá được hấp từ 1,5 - 2 tiếng để khúc cá chín đều, lá đu đủ mềm, tiết ra hương vị, thấm đều vào cá. Món ăn này được phục vụ khách ngay khi đưa ra khỏi nồi, đảm bảo độ nóng hổi, khói nghi ngút.

Khúc cá trắm được bọc kín trong lá đu đủ, lá chuối.

Khúc cá trắm được bọc kín trong lá đu đủ, lá chuối.

Thưởng thức miếng cá đầu tiên, thực khách sẽ thấy vị đăng đắng đầu lưỡi của lá đu đủ nhưng phần thịt cá lại đậm đà, ngọt lịm, mùi thơm đặc trưng. Khi sang miếng thứ hai, thứ ba, vị đắng như biến mất, khách gật gù khen ngon. Các loại gia vị Tây Bắc như ớt, tiêu, mắc khén càng làm món ăn hấp dẫn.

Vùng đất du lịch Mai Châu (Hòa Bình) có rất nhiều món đặc sản độc đáo như nộm kiến, vịt nướng ống lam, bánh ốc, bánh gai, gà nướng mắc khén... Đây trở thành điểm nhấn của loại hình du lịch cộng đồng đang phát triển tại đây, bên cạnh cảnh quan, văn hóa tín ngưỡng truyền thống.

Vịt nướng ống lam cũng là đặc sản thơm ngon của Mai Châu, Hòa Bình

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm, địa phương đón 2,6 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ, thực hiện 61,9% kế hoạch năm. Trong đó, thành phố Hòa Bình đón 280.000 lượt du khách, huyện Mai Châu đón 210.000 lượt du khách, huyện Kim Bôi đón 180.000 lượt du khách.

Hải Phòng là quê hương của nhiều món ăn có tên gọi độc đáo như bánh đúc tàu, giá bể, sủi dìn, chí chương, xì lồng cấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Trang ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN