Cà na ngào đường, món quà quê hấp dẫn!
Cà na có thể ăn tươi hoặc nhấn nhá thêm vài hột muối mặn, nhưng ngon nhất vẫn là cà na ngào đường.
Người dân miền Tây không ai lại gì câu ca dao vui: "Bình Đông là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na". Hình ảnh thân quen tự ngày xa xưa dường như thấp thoáng hiện về khi người ta nhắc đến những trái cà na ngào đường vừa chua vừa ngọt.
Cà na là loài cây hoang dại, chịu nước, mọc nhiều trên vùng đất phèn, mặn. Trái cà na có hình bầu dục, đầu nhọn, dài hơn lóng tay, có màu xanh đậm, vị chát và khi chín có màu xanh nhạt, vị chua.
Sáng sáng, người dân quê ra đồng thuận tay lượm mấy trái cà na bỏ túi về cho mấy đứa trẻ. Khi bơi xuồng thăm lưới dở nò, dở lộp thì vớt những trái cà na rụng đang bập bềnh trên mặt nước.
Trái cà na miền sông nước (Nguồn: Internet)
Cà na chín rụng dưới nước rất thơm, có thể dùng để ăn tươi hoặc nhấn nhá thêm vài hột muối mặn. Nhưng có lẽ cà na ngào đường là hấp dẫn nhất.
Trước hết, cà na lượm về rửa sạch, loại bỏ những trái bị dập úng. Dùng dao cắt một ít phần đầu (cuống) trái cho gọn và đẹp mắt. Xẻ dọc theo chiều dài của trái vài ba đường vào nơi phần cơm trái, từ trên xuống dưới, cho những trái cà na ấy vào ngâm trong vịm nước muối mặn. Chờ một thời gian rồi xả lại với nước lạnh vài lần cho bớt vị chua, chát. Dùng tay vắt nhẹ cà na cho ráo nước, để ra rổ. Bắc nồi nước đường theo khẩu vị của người ăn, ai thich chua thì bớt đường đi, ngược lại thì cho thêm đường nhiều, khi nước đường sôi, cho cà na vào trộn đều, rồi sên trên lửa nhỏ. Đến khi đường rút hết vào cà na thì nhắc xuống.
Để nguội, xếp cà na vào keo. Trẻ con có được món ăn chơi vừa thú vị vừa in sâu trong kí ức bởi tình thương của những người thân yêu dành cho các em.
Cà na ngào đường (ảnh minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Với người lớn tuổi, trong những đêm trăng thanh, gió mát, bè bạn tới nhà chơi, trải chiếu ra hàng ba hay gốc cây vú sữa ngoài sân, đem mấy trái cà na ngào đường cùng chai rượu đế ra nhâm nhi bàn chuyện đời, chuyện cấy trồng trong mùa vụ mới. Những thú vui tao nhã ấy dường như đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt của người lao động miền sông nước Cửu Long giang từ ngày xa xưa!