Cá khoai với những món khoái khẩu

Lần đầu tiên tôi được ăn món riêu cá khoai (canh chua cá khoai) vào khoảng cuối năm 1954, khi gia đình tôi tản cư từ tỉnh lỵ tỉnh Kiến An về xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, để tránh bị “mẹ mìn” cưỡng ép di cư vào Nam.

Những buổi chiều chạng vạng, ngư dân mang cá khoai đi bán, tiếng rao: Ai mua cá khoai đây lan khắp xóm làng. Mẹ tôi vội mang cái rổ ra đường làng mua vài xâu cá khoai.

Người ta dùng sợi tre luồn vào mang cá khoai, gộp mười con lại thành một xâu. Cơm gạo quê, ăn với riêu cá khoai, ngon lạ thường. Cả nhà tôi ăn nôi ăn nả, xuýt xoa. Hương vị riêu cá khoai cứ theo đuổi tôi đến tận bây giờ.

Cá khoai sinh sống ở biển, bơi từng đàn ở những vùng nước nông. Từ cuối mùa hè đến đầu mùa đông, ngư dân đánh bắt được nhiều cá khoai. Nhiều nơi gọi cá khoai là cá cháo, vì thịt cá mềm như cháo.

Cá khoai mình thon dài như củ khoai lang, không vẩy, phần lưng và đuôi có màu phơn phớt xanh, còn lại trắng muốt.

Cá có miệng rộng, răng sắc, thịt trắng trong, xương mềm và trong suốt. Ngày xưa cá khoai là món ăn quen thuộc của người nghèo nhưng bây giờ nó trở thành món ăn hấp dẫn, đặc sản.

Cá khoai khi đánh bắt được nhiều, ngư dân đem phơi khô, thành món cá khoai khô. Ăn cơm với khô cá khoai nướng, chấm tương ớt hoặc nước mắm ngon, có tỏi và gừng đập giập, vắt chanh, điểm vài miếng ớt đỏ tươi thái mỏng, cùng với đĩa rau muống hoặc rau ngót luộc xanh ngắt, cứ gọi là “nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào”!

Nấu riêu cá khoai phải chọn cá to. Bỏ đầu và ruột, giữ lại dạ dày cá.. Xắt cá làm hai, ba khúc, cho dạ dày cá vào bát to, nêm nước mắm, bột canh, mì chính và gừng đập dập, rắc ít hạt tiêu bắc rồi trộn đều, ướp một lúc.

Sau khi phi hành mỡ và cà chua thơm lừng, đổ một lượng nước lã đủ cho số người ăn vào nồi, cho hai ba quả me, hoặc khế, rồi đun sôi. Nồi canh sôi lên thì cho chỗ cá đã tẩm ướp vào, cùng với nắm thì là, hành tươi và rau răm thái nhỏ.

Nồi riêu cá khoai thường đặc, nước và cá bằng nhau. Người ta ăn vã cá khoai là chính, ăn được cả xương. Vừa đưa miếng cá lên miệng, thịt cá đã tan ra như cháo, tưởng như chất bổ của cá thấm ngay vào vi huyết mạch. Ăn vã cá khoai cho “đã”, rồi mới múc nước riêu chan cơm.

Cá khoai còn dùng để om. Làm cá rồi tẩm ướp như đã nói ở trên, phi hành mỡ, cà chua, thái quả ớt chín, vài quả me và ít gừng đập dập, rồi đổ cá đã ướp vào nồi, đun lửa nhỏ.

Cháo cá khoai mát và bổ. Không cần xắt cá ra thành từng khúc mà để nguyên thân cá rồi đem tẩm ướp. Có khi người ta còn cho thêm vào nồi cháo mấy con mực tươi và ít tôm biển bóc sạch vỏ để nồi cháo thêm chất.

Lẩu cá khoai cũng phải chọn cá tươi, loại to. Làm cá cho sạch, để vào bát to và tẩm ướp với các gia vị như trên. Nồi lẩu có me, thì là, thường ninh với ít xương lợn và cho thêm nấm rơm thì hương vị càng ngon. Lẩu cá khoai ăn với mì sợi, bánh đa nhúng, hoặc với bún đều ngon.

Các món ăn chế biến từ cá khoai là “đặc quyền đặc lợi” của người vùng biển. Nói cho vui như thế, để thấy rằng: Cá khoai mới đánh bắt được, đem chế biến là ngon nhất.

Nếu chở đi xa, phải ướp đá, thì cá giảm vị tươi ngon. Nếu bạn ở sâu trong đất liền hoặc ở miền núi, hãy gắng đến tham quan, du lịch ở các vùng duyên hải khắp Bắc, Trung, Nam, nhất là vùng duyên hải Bắc Bộ, để chiêm ngưỡng biển trời tươi đẹp, khoáng đãng, và để tận hưởng những món ăn ngon vùng biển, trong đó có món cá khoai trắng ngần, quyến rũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Ngọc Đệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN