Cá chạch, “món cứu tinh” của quý ông

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Vì là cá đồng, thuộc loại trạch ngư (cá ở ao hồ) nên tuy không là sơn hào hải vị, nhưng với người dân Nam Bộ, con cá chạch cho dù được chế biến dưới hình thức nào cũng rất chất lượng, bởi đây là loại cá có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, một trong những loài cá chuyên sống ở tầng đáy là cá chạch. Nơi chúng tụ cư với mật độ dày đặc là hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, nhất là những nơi nước tĩnh. Mùa nước nổi cá chạch sống trên đồng ruộng; nước giựt cạn thì rút xuống các lung, bàu, ao, vũng hoặc theo kinh rạch ra sông.

Có 3 loại chính: cá chạch cơm; cá chạch đuôi chình và cá chạch lấu.

Cá chạch cơm, cũng gọi cá chạch bùn, là loại cá chiếm tỉ lệ áp đảo, dài trung bình 15cm, to bằng ngón tay cái, đầu nhỏ, mỏ nhọn nhưng mềm chứ không cứng dài như cá nhái, vảy nhỏ mịn ăn sâu dưới da, vây lưng và bụng là một dãi dài đầy gai nhưng rất ngắn, không đáng ngại.

Cá chạch, “món cứu tinh” của quý ông - 1

Khô cá trạch

Cá chạch đuôi chình hiếm nhất (đuôi như đuôi con cá chình, tựa như đuôi cá lóc chứ không vuốt nhọn như các loại cá chạch khác), được gọi là “cá thời tiết” vì qua quan sát nó trong bồn kính, thấy cá sinh hoạt ở tầng nào (sát đáy; bơi lên lội xuống, thậm chí muốn nhảy ra ngoài...) bằng vào kinh nghiệm, người ta biết được trời nắng quang mây hay sắp có mưa – như “thanh vũ kế” vậy.

Cá chạch lấu rất to, con trưởng thành nặng trung bình 2kg có hơn, khá dài, có thể đạt từ 50 đến 70cm. Thân mình khoẻ khoắn, khá đẹp nhờ có bông lốm đốm, lội uyển chuyển, đáng được xếp vào loại cá cảnh, nhưng tiếc là cho đến nay dường như dân chơi cá cảnh chưa để tâm về nó.

Cá chạch có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa nước nổi. Người ta đánh bắt cá chạch bằng chài, vó cất, cào (bàn cào nhỏ có hàng trăm mũi nhọn, bắt được cá chui sâu dưới bùn), lọp tép, hoặc câu.

Câu cá chạch không sợ hao mồi, nhưng hao lưỡi câu, vì khi “cắn câu” (mồi trùng) chúng nuốt tuốt vào bụng nên rất khó gỡ, thường thì phải cắt nhợ, đành để lưỡi lại trong bụng nó, do đó khi làm cá chạch phải bỏ ruột. Câu hát xưa “Biểu về nhắn với ông câu, Cá ăn thì giựt để lâu mất mồi” chỉ đúng với các loại cá khác, riêng cá chạch thì không.

Toàn thân cá chạch có nhiều tuyến nhờn nên da rất trơn, nhớt. Nhờ vậy nó mới giảm được sự ma xát khi chui rúc trong bùn. Nói chung, cá chạch cũng giống như lươn, chỉ sống ở nơi có nhiều bùn sình. Vè cá: “… Ăn no nằm nghỉ là cá trèn bầu, Vạch bùn chun sâu là con cá chạch”, và: “… Tánh hay ở bàu là con cá chạch”, cho nên nói “Đất sỏi có chạch” chẳng khác nào nói “cá khô có trứng”. Còn về hình dáng thì cũng tương tự như lươn nhưng ngắn hơn nhiều. Có câu “Lươn chê chạch dài đuôi” là ý nói không biết mình ra làm sao cả! Một đặc điểm giống như lươn nữa là cá chạch cũng chỉ có xương sống nên khi ăn rất thoải mái. Thịt dai lại thơm, ngon và béo.

Vì là cá đồng, thuộc loại trạch ngư (cá ở ao hồ) nên tuy không là sơn hào hải vị, nhưng với người thôn dân Nam Bộ, con cá chạch cho dù được chế biến dưới hình thức nào cũng rất chất lượng, bởi đây là loại cá có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Người Nhật xem cá chạch là thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, còn người Trung Quốc thì gọi cá chạch là “nhân sâm dưới nước”. Với người Nam Bộ, cá chạch nhỏ cỡ tay út thì chiên lăn bột, cá lớn bằng ngón tay thì không cần phải đánh vảy mà để nguyên con chiên vàng, hoặc cắt làm hai, làm ba, ướp gia vị, kho tiêu trong nồi đất, lửa riu riu mới thấm, mềm. Nhưng đúng điệu là phải kho nghệ.

Cá chạch kho nghệ vàng ngấu, nhìn sướng mắt bao nhiêu thì ăn phải sướng miệng bấy nhiêu! Độc chiêu “phải nói” là món khô cá chạch, nướng tươm mỡ, xé khô ăn bốc với cơm nguội, ắt phải vét nồi! Còn nhậu thì bất kể đế hay bia, hễ có khô cá chạch trong mâm (chấm nước mắm me) thì cho dù bò bảy món cũng phải ế, khô mực loại I cũng bị chê!

Cá chạch, “món cứu tinh” của quý ông - 2

Cá chạch kho

Đó là những món ngon khoái khẩu. Nhưng phải đâu chỉ có thế! Cá chạch còn là “món ăn bài thuốc” cho hết thảy nam phụ lão ấu. Thật vậy, loài cá này là phương thuốc thần hiệu trong việc trị tê thấp; bổ hư tổn.

Chưa hết, đàn bà sau khi sanh ra máu nhiều; khí huyết không điều hòa; gầy yếu; lao thương (bệnh lao), ăn cá chạch sẽ thấy hiệu quả mong đợi. Nó cũng đã được biết đến từ rất lâu đời đối với những người mắc bệnh trĩ, thoát giang; bệnh đơn; mụn nhọt ở mặt; đầu đinh ngón tay; quai bị; kiết lỵ; lỡ loét. Còn nữa, những người bị té ngã, bị đánh tổn thương, ăn cá chạch sẽ mau hồi phục sức khoẻ. Nó cũng trị được chứng trẻ con suy dinh dưỡng; bị đổ mồ hôi trộm; rối loạn hệ thần kinh thực vật.

Đối với người cao tuổi, cá chạch còn giải quyết được bệnh cao huyết áp; thiếu máu; phù nề; viêm gan cấp tính, mãn tính, khôi phục công năng gan tốt hơn các loại thuốc bảo vệ gan; chữa được bệnh đái đường; tiểu tiện không thông.

Cổ thư cho biết cá chạch rất có biệt tài trong việc thêm tinh, ích tuỷ, tráng gân cốt, nhất là các qúy ông bị trục trặc sinh lý sẽ được phục hồi mạnh mẽ. Cá chạch còn là vị cứu tinh của những người thận hư, liệt dương, gọi “dương sự bất khởi” tức không cương được dương vật. Đặc biệt, nó còn trị được cả chứng “dương vật bị teo” mới là cả một sự tài!

Để trị được các chứng trên một cách hiệu quả, ngoài “chính vị” là cá chạch tất nhiên phải có thêm một ích “phụ vị”, rất thông thường, như tàu hủ, bột gạo hoặc hoàng kỳ, đại táo, đảng sâm… Sử dụng, chủ yếu là ăn – ngon miệng.

Đó là nói về cá chạch thường, tức “cá chạch cơm”. Chất lượng hơn nhiều phải nói là cá chạch lấu. Loại thuỷ đặc sản này có nhiều ở vùng đầu nguồn, vào mùa nước nổi, các chợ hầu như ngày nào cũng thấy có bán, giá dễ mua. Với loại cá này không chế biến cách nào ngon hơn cách nướng ốp bẹ chuối.

Cá chạch lấu làm sạch, dùng dao khứa sâu nhiều đường song song hai bên thân cá, tẩm gia vị lên đều khắp, rồi dùng bẹ chuối tươi (chuối hột càng tốt) ốp kín lại, đem nướng trên lửa than hồng. Cho đến khi toàn bộ bẹ chuối gói bên ngoài cháy héo thì cũng là lúc bên trong cá đã chín.

Thịt cá chạch lấu rất dai, nên khi nướng nhứt thiết phải ốp bẹ chuối như thế cá mới đủ thời gian cần thiết để chín. Nhờ ốp kín nên cá không bị cháy khét ngoài da, và giữ lại được toàn bộ chất ngọt và hương vị hấp dẫn đặc trưng.

Cá chạch, “món cứu tinh” của quý ông - 3

Cá chạch cơm nướng muối ớt

Món cá chạch nướng ốp bẹ chuối, chấm nước mắm me, giằm ớt, ăn với rau sống, dưa leo, thơm ngon “trên cả tuyệt vời”. Cao lương mỹ vị nào cũng khó sánh kịp. Đã ăn thì mãi nhớ.

Nhưng đừng quên đây là món nhắm cao cấp, đại bổ, cho nên tuy “nhân sâm dưới nước” có biệt tài giúp tỉnh rượu, nhưng muốn được “bà khen”, xin được phép nhắc nhở các ông anh: “Một lít ít hơn một xị!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hữu Hiệp (Dân Việt)
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN