Bún nhâm thanh đạm Hà Tiên
Hà Tiên có lẽ ít lai Trung hơn cả so với những nơi khác của miền Tây, vì nơi đây đã được khẩn hoang lập ấp từ sớm bởi người Chăm, người Khmer rồi người Hoa. Chỉ lai Trung, lai Bắc duy nhất có một thứ: văn chương của ông Đông Hồ.
Ở một xứ biển giàu hải sản, lại có đến mấy nền văn hoá pha trộn, Hà Tiên có những món bún riêng của mình và tên món chỉ là một từ phiên âm, khó tìm được ý nghĩa tiếng Việt chứa trong lớp vỏ ngữ âm đó. Đúng là Hà Tiên không chỉ mến yêu như nhạc sĩ Lê Dinh từng ca ngợi mà còn “mến ăn” nữa.
Cuối tuần trước, có một dịp may, tôi được ăn món bún nhâm và món bún kèn không phải tận Hà Tiên, mà là người Hà Tiên nấu ở khu dân cư Bình Hưng, quận Bình Chánh.
Nấu ở Sài Gòn thì khó có được cái thần của Hà Tiên bên bờ biển Tây giàu hải sản tươi nguyên. Nhưng những người nấu có sự “gặp thời thế thế thời phải thế” của họ. Dì Tám đứng bếp hôm đó đã làm hai món bún ăn thực sướng. Đúng như Đại Nam Nhất Thống Chí ca ngợi phụ nữ Hà Tiên: “nữ công tinh xảo […]”
Bún nhâm thanh đạm nhưng mà ngon
Trước hết là món bún nhâm, một món bún khô ăn thanh đạm lại cân bằng dinh dưỡng muốn chết. Dì Tám chỉ dặn, mua cơm dừa nạo về phải xay lại bằng máy xay sinh tố, sau đó ngâm nước ấm, thì vắt mới ra hết nước. Tôi lại nghĩ nếu có cái máy ép càphê espresso thì chắc là ra bằng hết.
Bún nhâm chỉ cần rau ghém gồm xàlách, tía tô, rau thơm, giá, nước cốt dừa, thịt tôm chà bông ăn với nước mắm pha. Sài Gòn không có bún bắt thành từng con giống người Khmer ở dưới Hà Tiên, nên tô bún không hoa văn, kém ngon mắt. Bữa đó dì Tám đã mua bún mang thương hiệu bún Thủ Đức. Pha nước mắm mặn vừa để hãm cái béo của nước cốt dừa chính là bí quyết trong món ăn mộc mạc này. Khi ăn, đến lượt món giá sống giòn tạo nên một thứ nhạc điệu nghe vui vui tai. Vị đạm ngọt của tôm, giá, chất xơ của rau, chất béo của nước cốt dừa tươi, vị mặn của mắm pha ớt tỏi… cả một bảng tổng hoà.
Sang đến món bún nước kèn. Kèn chắc là tiếng Khmer. Trong cuốn Danh thắng miền Nam, Sơn Nam tả món kèn ăn với cơm gồm: “Lá nhàu tươi xắt nhỏ, cá lóc, nghệ, nước dừa nấu chung có hương vị ngọt và hơi đắng (lá nhàu) […]” Có người giải thích món ăn có nước cốt dừa là kèn. Thật khó xác định. Nhưng ta dễ thấy một mẫu số chung trong các món ăn của những dân tộc láng giềng là thứ gia vị màu vàng từ nghệ trong món kèn Sơn Nam kể, kroeung của người Khmer cũng na ná càri của người Thái, để tạo một mùi riêng. Vị chính của món bún kèn do dì Tám nấu là bột càri. Dì chỉ lấy bột, bỏ toàn bộ lá.
Nước dùng bún nước kèn gồm tôm đất lột xắt nhỏ, sả tươi bằm. Phải là sả tươi mới nhổ đem bán ở chợ sớm, sả vào tủ lạnh rồi coi như hỏng, vì tủ lạnh hiện đại sẽ khử mùi làm sả thành “thái giám”. Sau đó đem sả băm trộn với tôm và bột cà ri tao cho chín, thêm hành lá, bột ngọt, đường – đặc thù của dân miền Tây là hảo ngọt – nhưng mấy ai không hảo ngọt nhỉ! Đến khi đã dậy mùi, lửa riu lại và nước cốt dừa pha nước ấm đổ vào. Một màu vàng thích mắt, lại cũng hạp với tỳ – thổ. Dì Tám cẩn thận nêm nếm và mời mọi người cùng nếm. Một chút dân chủ đó cũng làm bữa ăn thêm đầm ấm. Bún nước kèn cũng dùng với nhiều rau. Có nước mắm nguyên để gia giảm tuỳ theo khẩu vị từng người.
Những món ăn không cầu kỳ, phải đủ hấp dẫn mới tồn tại lâu đến vậy, lại được ca ngợi không tiếc lời. Phải chăng tinh thần tối giản là đỉnh cao của mọi thứ nghệ thuật?