Bống ngon vét nồi
Nhắc đến cá bống là nhắc đến tuổi thơ sông nước, những tiếng vét nồi thật nhanh!
Họ cá bống ghe thân quen với nhiều người nhưng cảm nhận thì khác hẳn. Có người xếp giống cá hiền hòa này vào tận miền... thương!
Cá bống có nhiều loại, sống khắp từ Bắc đến Nam, ở suối cạn lẫn sông sâu. Có loại, nặng vài chục ký một con như bống mú. Có “chú” bé con bằng đầu đũa là bống mít (hủn hỉn)... Đáng nể ở khả năng thích nghi với môi trường sống của chúng, trong đó, không ít loài bống gắn chặt với tuổi thơ dân sông nước.
Nghêu ngao bắt bống
Bống cát Cần Giờ vừa xổ đầm - Ảnh: Tạ Tri
Hơn mười năm trước, vùng biển Gò Công, Tiền Giang, cá tôm... đếm không xuể. Hè về vui như hội! Tối, lũ trẻ chúng tôi háo hức xếp hàng xem Tôn Ngộ Không diệt yêu quái bằng ti vi trắng đen. Ngày, chúng tôi vác gậy rủ nhau vào rừng vó đám cá bống mít.
Đám cá này, lúc ăn no thì tròn bụng tròn đuôi như hạt mít, nên có tên gọi là cá bống mít hay út mít. Chúng thường trú ngụ khắp đầm, mương, ao nước lợ, lại rất tham ăn nên dễ bị dụ. Mồi để vó cá là ít cám rang và còng, ba khía nhỏ đập giập. Đặt vó xuống khoảng 5 - 8 phút sau phải cất lên nhanh, nếu không chúng ăn no bụng liền lúc lắc bơi đi. Có chỗ trúng, được gần cả chén út mít mập trùi trũi, lượn lờ trông mê mắt. Mỗi đứa đặt cỡ 2 – 3 cái vó, khoảng tiếng rưỡi sau đã có hơn ký cá bống đủ loại, tôm bần... búng tanh tách trong giỏ. Dư ăn! Rồi tha hồ tắm sông, hái bần, bẻ trái dừa nước giải khát.
Giống bống dừa, bống tre cũng tham ăn không kém, có con bằng ngón tay cái người lớn. Bống dừa đen mun. Bống tre trắng xanh. Những ngày nước ươn (lớn không hết mức và ròng không sát), canh con nước mới chảy vào rạch, thả câu sẽ chắc ăn hơn. Mồi câu là tép bạc hoặc trùng hổ. Chúng thường đi theo đàn, có khi trên 10 con. Giật sướng tay! Có con bị giật sứt mép vẫn không sợ, khoảng 10 phút sau lại tranh nuốt mồi sâu hơn.
Đám hủn hỉn loắt choắt cũng "mắc nợ" bụi sả, cây ớt chim, mấy trái khế hườm sau vườn. Góp lại, kho lạt, thơm ngất ngát. Kèm với nhiều đọt cóc, xoài... chuối chát, khế xắt... Vét nồi thật nhanh.
Riêng cá bống cát trắng thịt ngon và nặng tay hơn, có con bằng cổ tay người lớn. Giống này sống ở cả nước ngọt và lợ. Khi ở nước lợ, thịt cá thơm và ngọt đậm hơn. Cá cái lớn mắn đẻ, nên thường ôm trứng nhưng không trông con. Theo nghiên cứu của Ashley Chin-Baarstad, nhà sinh vật học của Đại học Purdue (Mỹ) cùng các cộng sự, cá bố sẽ chịu trách nhiệm trông trứng của nhiều bạn tình. Tuy nhiên, khi kẻ địch mạnh hơn xuất hiện, cá bố sẽ đớp hết trứng trước khi chuồn.
Bắt bống cát trắng hiệu quả là thụt hang bằng rổ tre, vợt lúc nước ròng hoặc mò tay. Những chỗ trũng trong ruộng lúa mùa, gần rừng cũng có giống này. Mẹo bắt nhanh là quậy cho đục nước. Sau khi bọn tôm đất nổi đầu sẽ đến bống cát lờ khờ... lấp ló.
Và kết thúc có hậu của những trò rong chơi bắt bống là các món ăn thơm!
Món bống kho quéo đúng điệu của mẹ
Sài thành nhiều món ngon vật lạ và không ít món chân quê. Song hồn quê thì khó tìm thấy. Bởi hàng quán chú trọng đến cách chế biến nhanh, tiện nên các món nhà nghèo như bống cát kho quéo đành tức tưởi... cho người ăn.
Đúng điệu theo cách các bà các mẹ ở quê thì phải trở sống dao dần sơ mình cá sau khi đánh vẩy, rồi ướp hơn nửa tiếng trong nồi đất hoặc tộ sành. Lửa nhỏ, mà gặp lửa rơm bếp dột, khói mịt mù làm mẹ chảy nước mắt “sống” thì quí hơn vàng!
Bống cát kho tiêu... xiêu lòng kẻ chợ! - Ảnh: Tạ Tri
Năm phút sau khi nồi cá sôi, mẹ cho vào ít nước cơm chắt để nước cá kho thêm độ sánh, béo bùi hơn. Rồi chịu khó hâm lại lần thứ hai thì nồi bống kho tiêu mới hớp hồn thực khách.
Đám hủn hỉn loắt choắt cũng "mắc nợ" bụi sả, cây ớt chim, mấy trái khế hườm sau vườn. Góp lại, kho lạt, thơm ngất ngát. Kèm với nhiều đọt cóc, xoài... chuối chát, khế xắt... Vét nồi thật nhanh.
Cũng phía sau hè, nơi kẹt lu, bóng cây mít già có mấy lùm rau đắng đất non “lặt lìa”. Hái cả rễ, rửa sạch, đem nấu canh với bống tre, bống dừa... thanh mát vô cùng!