Bông điên điển xào với thịt bò
Bông điên điển nấu thịt bò vừa ngọt, vừa bùi, là món ăn mang nhiều hoài niệm với người dân miền Tây.
Điên điển là một loài hoa mộc mạc, đơn sơ như bao loài hoa khác, người dân miền Tây thường gọi là bông. Nhưng bông điên điển đặc biệt ở chỗ vừa là hoa, vừa là thức ăn giúp cho nhiều bà con ở vùng lũ có cơ hội khai thác, cải thiện cuộc sống gia đình. Bông điên điển chế biến được nhiều món ăn ngon, trong đó có món bông điên điển xào thịt bò.
Tại các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, hàng năm cứ tới mùa nước dâng cao là bông điên điển lại trổ vàng đồng.
“Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa/ Vàng soi đáy nước, tóc buông xòa” (Theo “ Tạp bút năm Nhâm Thìn” của cụ Vương Hồng Sển).
Hái bông điên điển
Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedea, bông điên điển có tên khoa học là Sesbania Sesban, họ đậu Fabaceae. Người Khmer gọi bông điên điển là Snor. Kinh “Xà No” ở Hậu Giang là biến thể của tiếng Khmer “Snor” vì xưa kia vùng này điên điển mọc rất nhiều nên mới gọi là Xà No.
Vào những ngày này nếu có dịp về các xã biên giới thuộc tỉnh An Giang chúng ta sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ bông điên điển như canh chua bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển chấm mắm kho, tuyệt nhất là bông điên điển làm dưa chua.
“Điên điển mà đem muối chua,
Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm”.
Qua trải nghiệm, nhiều đầu bếp gần đây đã chế biến thêm món bông điên điển xào thịt bò, được coi là đặc sản vùng lũ lụt. Theo kinh nghiệm dân gian, nguời ta thường hái bông điên điển vào buổi chiều, trời chạng vạng vì lúc đó bông vừa mới hé nhụy, tươi ngon. Nếu hái vào buổi sáng hoa nở tròn đầy, ong bướm đã lấy mật không còn tinh túy nữa. Hái xong, chúng ta lựa bỏ những bông khô héo rồi ngâm với nước muối loãng độ 10 phút cho sâu bọ nổi lên. Xong, vớt ra để ráo nước trước khi chế biến.
Thịt bò, chọn thịt đùi tươi, đem về rửa sạch, để ráo rồi thái mỏng, ướp tiêu hành, tỏi, nước mắm cho thấm đều. Bông điên điển xào riêng, chỉ cần xào sơ qua rồi đổ ra dĩa. Tiếp tục bắc chảo lên xào thịt tới khi vừa đủ săn mới cho bông điên điển vào xào tiếp, đảo đều, nêm nếm cho vừa ăn trước khi nhắc xuống bếp.
Bông điên điển rất ngon, vừa ngọt, vừa bùi, mùi vị đậm đà rất riêng, lại là một món ăn mang nhiều ký ức và hoài niệm đối với người dân vùng lũ lụt ở miền Tây. Ngày nay bông điên điển không những trở thành một thực đơn quen thuộc trong các nhà hàng, quán ăn bình dân mà còn đi vào thơ ca:
“Xa xăm nơi đất bưng biền. Ăn bông mà điên điển. Nghiêng mình nhớ đất quê. Chồng xa em khó mà về …” (Lời bài hát “ Bông điên điển” của Hà Phương).
Bông điên điển còn búp, loại ngon nhất
Bông điên điển vừa mới hái
Bông điên điển xào thịt bò