Bỏ nghề kiến trúc sư, chàng trai trẻ “làm giàu” nhờ xe nước sâm 45 năm tuổi
Rời công việc văn phòng, anh Thái Như Hớn về tiếp quản gian hàng nước sâm truyền thống của gia đình. Nhờ nhạy bén và ứng dụng tốt công nghệ, anh đã “biến” xe nước sâm trước nhà thành chuỗi 6 cửa hàng trải rộng khắp thành phố.
Bỏ nghề kiến trúc sư để gìn giữ “gia sản” của mẹ
Anh Thái Như Hớn (30 tuổi) là con trưởng trong gia đình có 2 người con của cô Huỳnh Tiêu Phương (tên thường gọi là cô Bình). Cô Bình được mẹ đẻ truyền cho nghề nấu nước sâm chuẩn vị người Hoa từ năm 1977, khi cô mới 19 tuổi. Mấy chục năm bán nước sâm, cô Bình nuôi hai con ăn học khôn lớn, thành tài.
Anh Hớn kể, hàng nước sâm trước nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật đã trở thành một phần kí ức tuổi thơ khó quên trong anh và bà con khối phố. Hàng nước sâm của gia đình cũng có nhiều khách “ruột”, mua hàng từ lúc họ còn nhỏ tí cho đến khi trưởng thành. “Cảm động nhất là có nhiều khách đã đi nước ngoài định cư, mỗi khi có dịp về Việt Nam lại ghé hàng nước sâm nhà tôi để tìm lại hương vị, kỉ niệm xưa cũ, trò chuyện với mẹ tôi như người nhà”, anh Hớn nói.
Hàng Nước sâm bà Bình trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM.
Những mảnh kí ức thân thương đó, cộng thêm việc mẹ anh ngày càng có tuổi, khiến anh Hớn luôn suy tư khi nghĩ về viễn cảnh món nước sâm truyền thống có nguy cơ bị thất truyền. Sau một thời gian dài trăn trở, năm 2019, anh Hớn đã mạnh dạn nghỉ nghề kiến trúc theo đuổi từ thời đại học để về tiếp quản xe nước sâm của mẹ.
Anh Hớn kể, dù không theo học kinh doanh nhưng từ nhỏ đã quen với việc buôn bán qua những lúc phụ mẹ. Là người thích quan sát, học hỏi trực quan rất nhanh nên khi bước vào quản lý quán anh cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Làm việc chung cũng khiến tình cảm mẹ con của anh Hớn trở nên gắn kết hơn.
Ngồi cạnh con trai trong chi nhánh quán Nước sâm Bà Bình mới mở tại quận 11, TP.HCM, cô Bình không khỏi tự hào về anh Hớn. Cô cho biết khi anh Hớn bày tỏ nguyện vọng được cùng mẹ kinh doanh, cô Bình hoàn toàn ủng hộ, miễn đó là thứ mà con thích làm.
Từ xe nước sâm gia đình thành chuỗi cửa hàng hiện đại
Nhờ chất lượng ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà hàng Nước sâm Bà Bình duy trì được lượng khách quen ổn định. Nhưng anh Hớn lại mong muốn mang nước sâm Bà Bình đi xa hơn nữa. Anh sớm nhận thấy nhu cầu của khách hàng đã thay đổi, phân khúc khách hàng dần trẻ hóa. Vì vậy, anh mạnh dạn đề xuất với mẹ một số kế hoạch “đổi mới thương hiệu”.
Bắt đầu với chất lượng sản phẩm, anh thử giảm độ ngọt của nước sâm, rồi sau đó lại nảy thêm ý tưởng thêm “topping” vào các loại nước để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ.
Để tăng độ nhận diện thương hiệu, anh Hớn tự thiết kế logo cho thương hiệu, mạnh dạn đầu tư thay đổi bao bì, chai, ly đựng nước mát để bắt mắt, tiện dụng hơn. Anh Hớn cho biết thời gian đầu khi trình bày kế hoạch đổi mới với mẹ, cô Bình tỏ vẻ quan ngại nhưng rồi vẫn gật đầu ủng hộ anh. Giữa năm 2021, anh Hớn hiện thực hóa kế hoạch đã ấp ủ từ lâu là khai trương chi nhánh thứ hai cho Nước sâm Bà Bình tại quận 11.
Cô Bình và anh Hớn chia sẻ về hành trình phát triển của thương hiệu Nước sâm bà Bình.
Tháng 5.2021 là một bước ngoặt lớn tiếp theo với Nước sâm Bà Bình khi anh Hớn quyết định đăng kí cho quán hoạt động trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19. “Trong khoảng 2 tháng đầu liên kết với app Gojek, doanh thu chỉ đủ giúp chúng tôi cầm cự duy trì các cửa hàng. May thay sau khi thành phố mở cửa trở lại, lượng hàng đặt qua app tăng mạnh. Mỗi ngày tôi có thể bán 70-80 đơn trên GoFood, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Nếu tính theo tháng thì doanh số tăng khoảng 200%”, anh Hớn cho hay.
Với những nước đi táo bạo của anh Hớn, chỉ trong vòng 1 năm, Nước sâm Bà Bình từ một xe hàng nhỏ trước căn nhà phố đường Nguyễn Thiện Thuật đã mở rộng thành chuỗi nước sâm lớn nhất nhì Sài Gòn với 6 cửa hàng trên nhiều khu vực. Để đạt được độ phủ sóng như hiện nay, anh Hớn cho biết việc hòa nhập với làn sóng công nghệ, phát triển mô hình bán online thông qua các ứng dụng đặt món trực tuyến là điều tối cần thiết. Anh Hớn cũng hé lộ, sau khi đưa Nước sâm Bà Bình lên online, hoạt động buôn bán ở chi nhánh gốc Nguyễn Thiện Thuật cũng “phát đạt” hơn hẳn.
Anh Hớn chia sẻ: “Hợp tác với GoFood rất thích. Thứ nhất là Gojek phát triển giao diện app ưa nhìn, dễ sử dụng. Hãng cũng hỗ trợ rất nhiều cho các đối tác, có ứng dụng GoBiz dành riêng cho nhà hàng, giúp các tiểu thương như chúng tôi dễ dàng làm quen với công nghệ, mở rộng được đối tượng khách hàng. Với GoBiz, tôi có thể theo dõi doanh thu, quản lý đơn hàng của các cửa hàng, từ đó việc hoạch định nguồn nguyên liệu, lên kế hoạch kinh doanh được thực hiện một cách hiệu quả”.
Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam cho biết: “Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng của người dân, với ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến. Chúng tôi hy vọng rằng với dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến GoFood cùng hệ sinh thái hơn 200 ngàn đối tác tài xế và hàng triệu người dùng Gojek sẽ có thể hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn có thêm một hình thức phát triển kinh doanh mới thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn”.
Nhìn về chặng đường đã đi qua, anh Hớn cho rằng bản thân mình chưa hẳn có khiếu kinh doanh nhưng lại rất may mắn khi lựa chọn được hướng đi đúng cùng với đối tác kinh doanh phù hợp. Anh Hớn thổ lộ trong năm nay sẽ cố gắng cùng mẹ mở rộng hoạt động kinh doanh, cán mốc 10 chi nhánh.
Nguồn: [Link nguồn]