Bí quyết làm mứt dừa non kiểu truyền thống đón Tết

Mứt dừa là món không thể thiếu trong dịp Tết, cách làm lại rất đơn giản, chị em có thể thử làm món này tại nhà.

Mứt dừa non rất hợp để đãi khách.

Mứt dừa non rất hợp để đãi khách.

Nguyên liệu

- Dừa non đã làm sạch thái thanh: 1kg

- Đường cát trắng: 350g – 450g (mới làm thì nên dùng nhiều đường, sẽ dễ sên hơn)

- Muối ăn: 3g

- Sữa đặc: 100g

Cách thực hiện

Mứt dừa non có độ mềm dẻo vừa phải, giữ được vị sữa dừa ngọt thơm nhè nhẹ chứ không bị khô, xác như làm bằng dừa già. Dừa non mang về gọt bỏ hết phần vỏ nâu còn dính trên cùi, cả những phần bị thâm đen, chỉ để lại phần cùi trắng tinh, mang đi rửa thật sạch. Sau đó, cắt cùi dừa thành những thanh vừa ăn.

Bí kíp để làm cho mứt dừa non có màu trắng tinh, trong veo đẹp mắt chính là bước khử dầu dừa. Đổ nước vừa đun sôi ngập vào thau có phần cùi dừa đã sơ chế, đảo sơ để phần cùi dừa được chần tới để ra bớt phần dầu dừa dư thừa. Khi sên dừa sẽ không bị úa màu, ngả vàng và đường dễ kết tinh hơn.

Ngâm cùi dừa trong nước nóng như vậy từ 2 – 3 phút rồi vớt ra, tiếp tục mang đi rửa sạch. Rửa cho tới khi phần nước rửa trong suốt, không còn bị đục trắng nữa là cùi dừa đã được khử hết dầu. Làm kỹ bước này sẽ giúp thành phẩm mứt dừa lên màu trắng đẹp, không hôi mùi dầu và bảo quản được lâu hơn.

Cùi dừa rửa sạch, để ráo rồi mang đi ướp với khoảng 250 – 350g đường và muối ăn. Chút muối sẽ giúp cho phần mứt có hương vị đậm đà hơn. Nếu là lần đầu tiên làm mứt dừa, bạn nên dùng nhiều đường để giúp dừa dễ sên hơn.

Trộn đều dừa với đường và muối rồi bọc lại, ướp trong vòng 5 – 6 tiếng. Lưu ý không nên ướp lâu quá 12 tiếng, dầu dừa tiết ra sẽ khiến mứt có màu vàng không đẹp mắt.

Sau thời gian ướp, đường tan hết, các sợi dừa ngấu đường chuyển sang trong suốt là có thể mang đi sên.

Cho dừa ướp đường vào một cái chảo dày và sâu lòng, đun cho đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun thêm 2 – 3 phút rồi vớt cùi dừa ra, chỉ rim tiếp phần nước đường thôi. Cách này sẽ giúp cho phần cùi dừa giữ được độ dẻo và không bị khô sau quá trình sên.

Phần nước đường còn lại trong chảo tiếp tục đun ở lửa nhỏ cho đến khi hơi sánh lại, nước đường chảy thành dòng như hình thì cho phần cùi dừa vào sên tiếp.

Ở lần sên thứ nhất này, bạn cho luôn phần sữa đặc vào để mứt dừa có thêm độ ngậy thơm. Nếu làm mứt có màu thì có thể cho thêm nguyên liệu tạo màu như nước cốt lá nếp, hoa đậu biếc hay cà rốt vào bước này.

Lúc này cần đảo dừa nhanh tay trên lửa rất nhỏ, cho đến khi trên thành chảo bắt đầu xuất hiện lớp đường trắng mỏng kết tinh lại thì tắt bếp. Sức nóng từ chảo tiếp tục tỏa ra sẽ giúp đường khô lại, bám trên dừa mà không lo bị cháy.

Sau khi sên xong lần 1 dừa đã khá khô ráo nhưng dừa non dễ chảy nước nên để mứt nghỉ từ 1 – 2 tiếng rồi tiếp tục sên lần 2 cho khô hoàn toàn.

Ở lần sên thứ 2, cho nốt phần đường trong công thức và khoảng 100ml nước lọc vào chảo, hòa tan, đun sôi keo lại tương tự như ở lần 1 rồi cho phần mứt dừa đã nghỉ vào xào tiếp.

Lần sên thứ 2 này sẽ giúp mứt dừa được khô hoàn toàn, không lo chảy nước nữa. Nếu cẩn thận hơn chị em có thể đem mứt đi phơi nắng hoặc sấy thêm một lúc trong lò sấy.

Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản mà đã có được thành phẩm mứt dừa non trắng tinh, khô ráo, phía ngoài phủ một lớp đường mịn màng, còn bên trong vẫn có độ mềm dẻo, thơm hương sữa dừa, rất ngon.

Nguồn: [Link nguồn]

Công thức này giúp thịt gà thơm, béo, thịt ngọt, càng ăn càng nghiền, phù hợp cho mâm cỗ cúng dịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thơm Bùi ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN