Bất ngờ với vị ngon của ốc sên xào sả ớt
Nhớ dạo còn đi chăn trâu, cắt cỏ, đã bao bận ngã xoài vì vấp ngã phải vỏ ốc sên nhẵn bóng. Loài ốc chuyên ăn ngọn mướp, su su và luôn náu mình trong những góc vườn nhà đã để lại một ấn tượng xấu trong mỗi đứa trẻ chúng tôi.
Thế mà hôm nay, ngồi nghe anh cô bạn người dân tộc Thái huyện Mai Châu- Hòa Bình kể lại cách làm món ốc sên ròn ngọt trên đĩa, tôi hết sức bất ngờ. Hóa ra, loại ốc trông gớm giếc này nếu được chế biến lại “lột xác” trở nên hấp dẫn đến vậy.
Ốc sên. Ảnh: Internet
Một lần lên vùng bản Thái xa xôi trên thung lũng Mai Châu, sau một ngày mải mê ngắm cảnh và chụp ảnh, bụng đói meo về đến bản cũng là lúc đã sẩm tối. Nghe cô chủ nhà giới thiệu bữa tối hôm nay sẽ có một món ăn chế biến từ loại thực phẩm lạ và quen.
Ốc sên xào sả ớt
Cô gái chậm dãi kể: Đĩa ốc xào sả, ớt này không phải ốc nhồi, ốc bươu dưới nước, ốc đá đâu mà là ốc sên em nhặt trong vườn sau trận mưa hôm qua đó anh à. Nhưng cách chế biến của nó thì hơi khó, đặc biệt là ở công đoạn sơ chế nên không phải ai cũng làm được.
Vừa gắp những miếng ốc xào ngon mắt vào bát cho khách, cô vừa giảng giải kĩ càng: Đầu tiên là phải dùng chày đập vỏ ốc cứng. Sau đó dùng dao để cắt lấy nguyên phần đầu của ốc, những phần còn lại bỏ đi hết không dùng được. Tuy nhiên, nếu gặp những con ốc sên có trứng non (là phần trứng còn chưa thành quả ở bên trong dạ con của ốc) có thể dùng được.
Như đoán bắt được sự thắc mắc của chúng tôi về rắc rối của chất nhớt trên mình ốc, cô chủ nhà liền bày cách làm thật đơn giản: Dùng dấm để bóp cho hết nhớt của đầu ốc. Theo cách dân gian xưa kia là dùng tro bếp, nhưng ngày nay do không còn đun bếp củi nên ta có thể bóp bằng dấm gạo nếp. Ở miền núi, bà con còn bóp thêm bằng nước măng chua cho thơm.
Đến khi xào ốc cũng phải có cách chế biến hơi khác so với xào ốc nhồi, ốc bươu hay ốc đá trong núi. Phải xào đều tay đến khi cạn hết nước, lúc ấy mới nêm gia vị vừa đủ. Nếu muốn ốc được thơm giòn thì cho thêm một ít dầu ăn nữa rồi mới cho sả ớt vào xào.
Món ốc sên xào rất nhiều đạm và chất khoáng đem lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Nguyên liệu cũng rất dễ tìm. Chỉ cần bàn tay khéo léo của bà nội trợ.
Đến lúc này, chúng tôi mới nhận ra một điều thật thú vị: những món ăn của các dân tộc Việt Nam ra đời đều nhờ óc sáng tạo và bàn tay chế biến khéo léo của những người phụ nữ. Bởi thế những thứ tưởng như bỏ đi, những thứ xa lạ cũng trở thành những món ăn độc đáo và thú vị.