Bất ngờ với tác dụng của củ gừng mà không phải ai cũng biết
Gừng là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y, với vị cay, tính ấm gừng có rất nhiều tác dụng mà không phải ai cũng biết.
Uống trà gừng giúp giải cảm trong mùa đông.
Mùa Đông đã lạnh hơn và đây cũng là lúc chúng ta cần gia tăng các biện pháp giữ ấm cơ thể nhiều hơn. Trong những phương pháp giúp tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật mùa Đông như cảm cúm, cảm lạnh, uống nước gừng, sử dụng những sản phẩm từ củ gừng mỗi ngày luôn được giới chuyên gia khuyên dùng.
Lương y Ngô Đức Phương (Viện trưởng Viện thuốc Nam) cho biết, gừng là một loại gia vị quen thuộc nhưng có vai trò quan trọng, nhất là mùa Đông khi thời tiết trở nên giá lạnh.
Gừng cũng là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y, đồng thời là loại thuốc rẻ tiền có ngay trong nhà bạn.
Gừng có tên gọi khác là sinh khương (gừng tươi), can khương (phơi khô), bạch khương, hắc khương – tùy theo dạng khô hay tươi, màu trắng hay đen.
Trong Đông y, gừng tươi có vị cay, tính ấm, thơm, gừng khô có vị cay, tính nóng, thơm hắc. Bởi gừng có vị cay, tính ấm,... nên được dùng khi nấu những thức ăn mát (để cân bằng âm dương). Theo đó, khi nấu canh cải, các bà nội trợ nên cho một vài lát gừng, món ăn không chỉ dậy mùi thơm của gừng mà còn làm ấm thêm trong mùa Đông lạnh giá.
Ngoài ra, theo lương y Ngô Đức Phương, gừng cũng làm ấm người, chữa các chứng bệnh liên quan đến thời tiết lạnh, nhiễm hàn như cảm cúm, ho, đau nhức xương khớp, đau bụng…
Lương y Ngô Đức Phương đưa ra câu tục ngữ được truyền miệng “đau bụng lấy bụng mà chườm, nếu mà không khỏi ta mới dùng gừng” để nói về giá trị của loại củ rất rẻ tiền, có sẵn trong mỗi căn bếp.
Theo đó, gừng rất giàu chất giúp tăng cường miễn dịch như gingerols và gingerdiol, có vai trò kháng virus, kháng nấm và kháng khuẩn. Từ đó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cho phép cơ thể chống lại nhiễm trùng và ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh. Cách dùng có thể là cho vào nấu thức ăn (rang gà, nấu canh cải) hoặc làm thành mứt gừng. Những món ăn này cực tốt đối với những người bị huyết áp thấp, chân tay lạnh, ho do lạnh, cảm cúm do lạnh,...
Ngoài ra, gừng còn có tác dụng cải thiện lưu thông máu. Nếu bạn bị huyết áp cao, cholesterol cao thì uống nước gừng sẽ giúp chống lại các dấu hiệu này của bệnh tim mạch. Gừng cũng có khả năng làm sạch động mạch từ sự tích tụ mảng bám, ngăn ngừa đột quỵ và đau tim.
Gừng bảo vệ não khỏi sự căng thẳng, cải thiện chức năng bộ nhớ và nhận thức nhờ khả năng kháng viêm, bảo vệ tế bào. Đây chính là loại gia vị đặc biệt có lợi cho phụ nữ trung niên trong việc nâng cao khả năng nhận thức của họ.
Hiện trên thị trường cũng bày bán nhiều loại trà gừng, nhưng các bà nội trợ cũng có thể tự làm cho mình một tách trà gừng hoàn hảo cho ngày đông lạnh.
Thành phần gồm 1 cốc nước, 4-6 lát mỏng gừng tươi và mật ong nguyên chất. Sau đó, bạn cho cốc nước đun sôi, thả thêm gừng thái lát vào và giảm lửa. Đun nhỏ âm ỉ trong vòng 10-15 phút. Sau đó tắt bếp, để cho đồ uống nguội bớt thì thêm chút mật ong và thưởng thức. Bạn nên uống vào buổi sáng, sau khi đã ăn sáng, không nên uống vào buổi tối.
Nguồn: [Link nguồn]
Cỏ mần trầu là loại cỏ mọc dại ở Việt Nam từ lề đường tới cửa ngõ và ít ai biết được rằng loại cỏ này có...