Bật mí cách làm đặc sản “gà mọ” khiến du khách mê mẩn, khó quên
Chị Lèo Minh Châu (chủ homestay Minh Châu) ở bản Hụm, xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La) đã bật mí cách chế biến món Gà Mọ - một món ăn đặc sản của người Thái ở Sơn La khiến khách Tây, khách ta mê tít.
Nhắc đến Tây Bắc, du khách không chỉ nhớ đến phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những đồng ruộng bậc thang trải dài ngút tầm mắt mà còn ấn tượng bởi văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng và phong phú. Những món ăn được chế biến công phu, hấp dẫn, mang đậm hương vị núi rừng khiến thực khách thưởng thức một lần là nhớ mãi. Trong những món ăn đặc sản ở Tây Bắc, phải kể đến món gà mọ - một món ăn đặc biệt của đồng bào người Thái ở Sơn La.
Homestay Minh Châu với những nhà sàn mang đậm phong cách, kiến trúc của người Thái, được rất nhiều du khách ghé thăm.
Chị Lèo Minh Châu- chủ homestay Minh Châu ở bản Hụm, xã Chiềng Xôm(Tp.Sơn La), người từng phục vụ món gà mọ cho rất nhiều du khách khi đến Sơn La chia sẻ: “Cứ tưởng chỉ những người vùng cao chúng tôi mới biết và thích món gà mọ, ai ngờ rất nhiều khách miền xuôi, đặc biệt cả những người nước ngoài cũng yêu thích món này. Khi họ đến đây, họ thường đặt tôi làm món gà mọ để thưởng thức, họ ăn hết và khen ngon.”
Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức các món ăn do chị Châu chế biến.
Theo chị Châu, chế biến món gà mọ rất cầu kì và đòi hỏi khá nhiều thời gian, trong đó quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu và ướp gia vị.
Người Thái ở Sơn La thường chọn loại gà ri tầm hơn 1kg, nuôi thả tự nhiên. Loại gà này sẽ cho thịt chắc và ngọt hơn những con gà công nghiệp. Các loại gia vị đi kèm gồm có mắc khén (một loại hạt có mùi thơm, cay, gần giống hạt tiêu), muối, ớt bột, rau chuối, mùi ta, mùi tàu, bột gạo….
Chỉ những con gà bản được nuôi bằng thóc, có phần thịt thơm, ngọt mới được dùng làm món gà mọ.
Chị Châu chặt gà thành miếng nhỏ vừa ăn, sau đó cho vào 1 cái nồi rộng.Hoa chuối rừng được cắt lát mỏng, ngâm cùng nước muối để giảm độ chát, sau đó được cho vào cối giã hơi nát để cho hoa chuối được mềm.
Một nguyên liệu không thể thiếu trong món gà mọ chính là bột gạo. Thay vì sử dụng bột gạo nếp như nhiều nơi khác, chị Châu chọn bột gạo tẻ bởi theo chị “bột gạo tẻ sẽ cho độ sệt vừa phải, không bị ngấy như bột gạo nếp.” Chị Châu dùng khoảng 1 bát con gạo, ngâm trong nước lạnh tầm 30 phút, sau đó giã nát.
Hoa chuối rừng được thái mỏng và ngâm nước muối cho bớt vị chát.
Tất cả các nguyên liệu này được cho vào ướp với chút muối, mì chính, mắc khén, rau thơm cắt nhỏ……….rồi chia thành nhiều phần, gói vào trong những tàu lá dong xanh mướt và hấp trong 1 tiếng cho chín nhừ. Theo kinh nghiệm của chị thì khi ướp nên cho ít muối, tạo vị hơi nhạt, thì lúc chín gà mọ sẽ có vị đậm đà vừa ăn bởi món này được làm chín bằng hơi nước nên vẫn sẽ giữ được các mùi vị ban đầu.
Vị ngọt, mềm của thịt gà kết hợp cùng vị chát của hoa chuối, cay, thơm của ớt và các loại gia vị đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món gà mọ.
Gà mọ có thể làm món ăn nhâm nhi hoặc ăn cùng xôi nếp nương. Dùng tay gỡ tàu lá dong còn nóng hổi, điểu đầu tiên ta cảm nhận được là mùi thơm sực nức của thịt và các loại gia vị. Khi chín, miếng thịt gà trắng, mềm nằm xen lẫn với hoa chuối cùng các loại rau thơm, điểm xuyết cùng những lát ớt đo đỏ trông khá ấn tượng. Đặc biệt, những hạt gạo giã nát khi chín đã tạo cho món ăn có độ kết dính và mùi thơm ngầy ngậy, khiến thực khách chỉ mới nhìn và ngửi thôi đã ứa miếng thòm thèm.
Chị Châu cho biết gà mọ là món ăn có từ lâu đời của người Thái. Vào các dịp lễ, tết, đám cưới….họ thường tự tay chuẩn bị nguyên liệu và chế biến món này để thể hiện tấm lòng của mình với họ hàng, khách khứa. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách phương xa, gà mọ còn được phục vụ tại các nhà hàng, homestay...
Gà nướng đất sét còn được nhiều người gọi vui là gà cái bang, chắc có lẽ một phần vì cách chế biến cùng với hình...