Bánh dày Quán Gánh, dẻo thơm nức tiếng Hà Thành
Những năm về trước, ai đi qua quốc lộ 1A đoạn nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam đều thấy la liệt các gian hàng đề biển "Bánh dày Quán Gánh". Từ món ăn bán lề đường, giờ đây loại bánh này đã trở thành đặc sản của người dân Thủ đô, ai ăn cũng tấm tắc khen.
Gọi là bánh dày Quán Gánh bởi bánh được sản xuất bởi bà con sinh sống ở phố Quán Gánh thuộc làng Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Không ai nhớ chính xác nghề làm bánh dày có từ bao giờ, nhưng đã là dân Thượng Đình không ai không biết 4 câu thơ:
“Dù ai chồng rẫy, vợ chê,
Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau.
Ăn trước thì bảo người sau,
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”.
Bánh dày Quán Gánh là đặc sản của Thủ đô.
Linh hồn của bánh dày Quán Gánh là gạo nếp. Gạo nếp làm bánh là thứ gạo có độ dẻo cao, có mùi thơm, không lẫn gạo tẻ, hạt gạo trắng muốt, khi vốc lên tay, hạt gạo óng mát và thoang thoảng mùi thơm.
Gạo nếp ngon là linh hồn của bánh dày Quán Gánh.
Gạo đem vo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh khoảng 2-3 giờ. Sau đó để ráo nước rồi mang đồ thành xôi. Khi xôi gần chín, vẩy thêm ít nước ấm tay để xôi chín đều. Khi xôi phả mùi thơm nức, đem đổ ra cối và thay nhau giã đều tay.
Ngày xưa việc giã tay vô cùng vất vả, chỉ những người có sức khỏe mới có thể đảm đương được công việc này tay chày, tay cối, giã gạo ngay từ lúc xôi còn nóng. Ngày nay, nhờ có máy móc thay thế, sau khi đồ xong, người dân đổ xôi vào máy giã, giã cho đến khi xôi tạo thành một khối dẻo, trắng muốt.
Lúc này, người dân vắt thành những nắm nhỏ, đều nhau… Để chiếc bánh có hình tròn, lòng chảo, người thợ phải bóp nhẹ tay cho chiếc bánh hơi dẹt. Vỏ bánh được quét một lớp mỡ lợn mỏng, sau đó mang đi nhồi nhân.
Bánh dày Quán Gánh có 3 loại nhân. Mỗi loại lại mang một hương vị đặc trưng khác nhau.
Nhân bánh dày Quán Gánh có ba loại gồm ngọt, mặn và chay. Bánh chay không nhân. Bánh ngọt có nhân làm từ đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn, xào với đường, dừa bào. Bánh mặn có nhân là đỗ xanh đồ chín, nghiền nát ướp với tiêu xay.
Nhân bánh được vo tròn, chia thành từng nắm nhỏ sau đấy nhồi vào trong vỏ bánh rồi lấy lá gói lại. Lá dùng để gói bánh là lá dong. So với lá chuối, lá dong có màu xanh đẹp, lại giúp bánh có thể lưu giữ hương vị trọn vẹn nhất.
Lần đầu nhìn thấy gói bánh bọc trong lá dong, ai cũng tưởng bánh dày là một chiếc bánh lớn. Thực tế, đó là 6 chiếc bánh nhỏ được xếp cạnh nhau, gói vào lá dong rồi buộc lạt. Lý do chọn con số 6 của người làng Quán Gánh cũng rất đơn giản bởi theo truyền thống của dân làng, mỗi mâm cỗ thường 6 người. Khi bày bánh lên mâm, mỗi người một chiếc vừa xinh.
Những năm về trước bánh dày chủ yếu bán ở khu vực quốc lộ 1A đoạn nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam. Cũng có thời gian, người dân Quán Gánh mang bánh đi khắp các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam... để bán. Bánh dày không có chất phụ gia nên chỉ để được trong khoảng 24 giờ, vì thế những người bán rong luôn mang tâm trạng lo lắng, phải bán hết trong ngày, chứ không thể mang bánh về. Thời ấy làm bánh dày vất vả.
Ai ăn bánh dày Quán Gánh cũng tấm tắc khen ngon.
Ngày nay, bánh dày Quán Gánh đã trở thành đặc sản, người làng Quán Gánh không phải bươn bả mang đi bán mà làm không hết việc bởi làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Bánh không chỉ là thức ăn vặt mà đã trở thành một thức quà nổi tiếng. Không chỉ ăn sáng, ăn xế, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận còn dùng bánh dày trong các đám hiếu, đám hỉ. Ai ăn cũng tấm tắc khen.
Nguồn: [Link nguồn]
Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nức tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà nhiều khách phương xa.