Bánh chưng đen, bánh rán tam giác mạch xứ Lạng

Một trong những món ăn ấn tượng nhất khi đến các thôn, bản người Tày ở huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) là bánh chưng đen.

Nếu đến vào đúng dịp Tết nguyên đán, hội Lồng Tồng, chúng ta sẽ thấy nhà nhà, người người thi nhau gói bánh chưng đen. Còn vào ngày thường muốn mua bánh chưng đen, khách có thể ra khu chợ ở thị trấn Bắc Sơn hoặc đặt gia chủ người Tày làm cho ăn.

Đây là một loại bánh chưng rất độc đáo, có nhiều nét khác so với bánh chưng xanh của người Kinh dưới xuôi. Nét khác biệt đầu tiên là hình dạng. Bánh chưng đen thường được gói dài chứ không phải vuông như bánh chưng xanh.

Để gói bánh chưng đen chuẩn, ngon, người Tày phải lấy gạo nếp trồng ở nương cao, đỗ xanh bóc vỏ và đặc biệt phải có tro đen đốt từ rơm cây lúa nếp. Gạo nếp được đãi trong nước bằng rá tre rồi trộn với tro đen. Đỗ xanh thì đem ngâm trong nước ấm. Gạo, đỗ được thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân là thịt heo ba chỉ. Gói bánh chưng đen cũng là loại lá dong quen thuộc.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen khi cắt ra thành từng miếng sẽ có màu sắc rất ấn tượng, đẹp mắt. Đó là màu trắng hồng của nhân thịt ba chỉ, màu vàng của đỗ và màu nâu xanh chấm đen của gạo trộn tro lẫn màu lá dong. Không chỉ có màu sắc lạ mà khi ăn thử bánh chưng đen, chúng ta cảm nhận hương vị rất đặc biệt. Bóc chiếc bánh ra, ta đã ngửi thấy ngay mùi thơm của lúa nếp nương hòa cùng mùi lá dong, không thể lẫn vào đâu. Đặc biệt, mùi tro từ cây lúa nếp hòa cùng vị béo ngậy của thịt heo khiến miếng bánh càng trở nên hấp dẫn.

Thảnh thơi ngồi nếm miếng bánh chưng đen bên hiên nhà sàn cũng là trải nghiệm ẩm thực thú vị cho du khách khi đến Bắc Sơn.

Ở vùng đất Trấn Yên của Bắc Sơn, du khách còn có cơ hội được thưởng thức món bánh rán từ bột của hạt tam giác mạch. Thung lũng ở xã Trấn Yên có một cánh đồng hoa tam giác mạch trắng cực đẹp. Sau mỗi mùa hoa tàn, người Tày lại đi thu hái hạt về đựng trong các bao để mang ra chợ bán hoặc làm bột rán bánh.

Món bánh rán tam giác mạch vừa rán xong

Món bánh rán tam giác mạch vừa rán xong

Để làm được món bánh, hạt tam giác mạch phải phơi khô rồi sàng sảy thật sạch trước khi cho vào cối xay thành bột. Sau khi có bột từ hạt tinh khiết, người Tày bắt đầu trộn đều cùng trứng gà, thêm ít gia vị, hành lá theo tỉ lệ nhất định. Sau đó, người ta chuẩn bị chảo gang bắc lên bếp củi rồi cho mỡ heo vào để nóng già. Những miếng bột trộn trứng được nặn mỏng cho vào chảo rán. Phải canh ngọn lửa và thời gian để miếng bánh chín đều có màu vàng thẫm của hạt tam giác mạch lẫn cùng trứng gà.

Món bánh hạt tam giác mạch trộn trứng gà vừa vớt ra đã có mùi thơm phức lan tỏa. Bánh có vị thơm bùi, béo ngậy của các nguyên liệu. Nhiều du khách dưới xuôi khi ăn món bánh lạ này không khỏi trầm trồ, sung sướng. Họ ăn hết đĩa bánh đầu tiên lại bảo gia chủ rán tiếp đĩa khác, nhiều khi thay luôn cơm trưa…

Đặc sản xứ Lạng: Rùa đá nhốt rọ, quả lạ vàng rực, rết độc nhốt chai

Hằng năm tại khu du lịch núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vẫn diễn ra chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn. Tại đây, la liệt các sản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệp Băng ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN