Bánh bao, bánh vạc - “món bản quyền” của Hội An

Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cũng như cách làm gần giống nhau, thường ăn chung trên một đĩa.

Hội An không chỉ đẹp bởi nét trầm lắng, cổ kính mà còn hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực nổi tiếng. Cùng với “bộ sưu tập” các món ăn nức tiếng xa - gần như cơm gà bà Buội, bánh mì madame Khánh, cao lầu phố Hội… đã lọt vào những trang bình chọn ẩm thực đặc sắc của thế giới; Bánh bao, bánh vạc cũng là “món bản quyền” của vùng đất này mà ai đã có dịp thưởng thức đều không dễ quên tên gọi cũng như sự tỉ mỉ, công phu của món ăn.

Bánh bao, bánh vạc - “món bản quyền” của Hội An - 1

Bánh bao, bánh vạc Hội An

Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cũng như cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa thì mới đúng điệu, đậm đà. Đến Hội An, muốn dùng thử món đặc sản này, bạn hãy ghé nhà hàng Hoa Hồng Trắng trên đường Hai Bà Trưng. Tại đây, bạn không chỉ được thưởng thức hai món bánh ngon với tên gọi độc đáo mà còn được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh khéo léo, công phu của họ.

Bánh được làm từ bột gạo, nhưng rất tỉ mỉ từ khâu chọn gạo đến nặn bánh. Để bánh có vị ngọt bùi, mặt bánh trắng, láng mướt, cần phải kỹ từ khâu chọn gạo. Đó là loại gạo lúa mới, thơm dẻo, xay xong lọc nhiều lần qua nước. Bột tuyệt đối không bỏ chất tẩy trắng và cũng không sử dụng hàn the. Sau đó, bột được nhồi thành những hình thuôn dài; Xoay xoay vài vòng sẽ nhanh chóng ra một miếng bột nhỏ xíu. Từ miếng bột đó, họ vê nhẹ theo vòng tròn thành vỏ bánh mỏng xinh.Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền.

Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, mộc nhĩ, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền. Phải chăng gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao, bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An? Sau khi có nhân bánh, người ta cho nhân vào giữa vỏ bánh rồi túm lại thành hình quai vạc để làm bánh vạc và viền nhẹ vỏ bánh thành hình dáng như hoa hồng để làm bánh bao. Nhẹ nhàng xếp bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng 15 phút bánh chín có màu gạo trắng, mềm dai.

Cùng với công đoạn làm bánh tỉ mỉ, việc pha chế nước mắm cũng phải hội tụ đủ ba vị chua, cay, ngọt. Vị ngọt vừa đủ, không quá chua và đặc biệt ớt dầm vào bát nước mắm phải vừa là ớt xanh và đỏ. Có như vậy bát nước mắm mới thơm nồng và có màu vàng sóng sánh.

Bánh bao, bánh vạc giờ đã có tên trong những món đặc sản mà các sách du lịch giới thiệu cho du khách khi đến Hội An bằng cái tên kiêu sa, thanh thoát như chính hương vị và hình dáng khi xếp ra đĩa của nó: Bánh hoa hồng trắng và “tên Tây” là white rose. Những chiếc bánh nho nhỏ, xinh xinh tựa những đóa hồng trắng được điểm xuyết màu xanh của rau, chút đỏ hồng của ớt và chút hành phi vàng óng đã khơi gợi trí tò mò của không ít du khách.

Thưởng thức miếng bánh với vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm…; chắc hẳn “món bản quyền” của Hội An không chỉ níu chân du khách một lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.H (Báo giao thông)
Món ngon Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN