Bà nội trợ cần biết: Cách chọn cá nục tươi và cá biển đông lạnh ngon ‘bách phát bách trúng’
Làm thế nào để nhận biết cá nục tươi ngon và các loại cá biển đông lạnh nói chung không chứa hóa chất? Các bà nội trợ hãy tham khảo những mẹo chọn được cho là chính xác dưới đây.
Trong bài viết này, trước tiên chúng tôi để cập đến mẹo chọn cá nục tươi ngon, và cách chọn cá biển đông lạnh ngon và sạch không hóa chất chúng tôi sẽ đề cập ở phần dưới.
Những mẹo hay chọn cá nục biển tươi ngon
Khi chọn cá biển, bạn hãy quan sát mang cá. Vì mang là cơ quan hô hấp của cá, cá bơm nước qua mang để lấy oxy trong nước, do vậy hóa chất sẽ ảnh hưởng tới mang cá trước tiên. Mang cá cũng là bộ phận để nhận biết độ tươi của cá. Nếu cá còn tươi thì sẽ không nhớt, không có mùi, mang có màu đỏ tươi. Nắp mang khép chặt với miệng mang chứng tỏ cá vừa mới được đánh bắt. Mang cá bị nhiễm độc không sáng trơn và có màu hồng thâm.
Sau mang cá, bộ phận cần quan sát tiếp theo là mắt cá, đối với những con cá bị nhiễm độc thì mắt không còn trong, thậm chí có con bị nhiễm độc nặng khiến mắt lồi ra. Tránh sử dụng những con cá có dấu hiệu như vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Quan sát mang cá và mắt cá đầu tiên để nhận biết cá nục tươi.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý, nếu cá biển bị ướp urê (giữ cá tươi lâu) thì mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường nhưng khi ấn vào thân cá thì thấy mềm, độ đàn hồi không cao, ngửi kỹ có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng. Cá dễ bị tróc vẩy, thịt nhẽo và mắt lõm vào trong.
Cá bị nhiễm độc nặng thì đầu to trong khi thân nhỏ, thậm chí có những con cá còn xuất hiện u trên thân. Vảy cá ráp, có dấu hiệu bong tróc nhiều. Thân cá xuất hiện các đốm đen trông loang lổ, nhiều con còn bị đen toàn thân.
Cá còn tươi nguyên thì khi nấu lên thịt cá chắc và thơm, còn cá bị nhiễm độc thì thịt bở, có mùi lạ. Đặc biệt khi nấu xuất hiện bọt đen và hơi cá bốc mùi lạ là cá đã được ướp hàn the hoặc nhiễm hóa chất độc hại, phải bỏ đi không được ăn.
Cá tươi có vảy bám chặt với thân, óng ánh, không có niêm dịch, không có mùi hôi. Còn vây cá ươn thì mờ, dễ tróc khỏi thân cá, không sáng óng ánh, có mùi.
Hậu môn cá tươi có màu trắng nhạt thụt sâu vào bên trong và bụng cá lép. Còn cá ươn thì hậu môn lòi ra ngoài, có màu hồng hay đỏ bầm, bụng cá phình to.
Miệng cá biển tươi ngậm kín trong khi cá ươn thì miệng hé mở. Đối với cá biển cấp đông lạnh quá lâu ngày hoặc gặp vấn đề khi bảo quản thì răng cá thường bị rụng. Bạn cũng có thể ấn ngón tay vào thịt cá để thử, thịt cá tươi sẽ rắn chắc, đàn hồi, không hằn vết ấn.
Nên chọn các loại cá còn nhớt. Nếu cá còn tươi mà không còn nhớt thì cũng không nên mua vì có thể chúng đã được ngâm tẩm khá lâu. Dùng tay ấn vào thịt cá, nếu thịt đàn hồi là thịt tươi, nếu ấn vào mà lõm trên mình cá thì không mua. Khi đã được ủ urê cá có mùi khai chứ không có mùi tanh đặc trưng.
6 mẹo chọn cá biển cấp đông không hóa chất, tươi ngon như cá tươi
Nếu các bạn sống xa biển hoặc ở các tỉnh không có biển thì ăn đồ hải sản cấp đông đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo được độ tươi.
Đối với các loại hải sản đánh bắt xa bờ, có khi lênh đênh trên biển vài tháng thì cần phải có cách bảo quản thật đúng cách, tức là cấp đông mới đảm bảo được chất lượng. Nếu cá biển đánh bắt xong được bảo quản đúng quy trình, cấp đông sâu đúng tiêu chuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn và giữ nguyên chất dinh dưỡng, thì cá đông lạnh cũng ngon không kém gì cá tươi sống. Như vậy, dù bạn có mua cá được đánh bắt từ nhiều tháng trước, hàng nhập khẩu, miễn là được đông lạnh và rã đông đúng tiêu chuẩn thì vẫn giữ nguyên được độ tươi ngon vốn có. Dưới đây là các cách nhận biết cá biển đông lạnh đúng tiêu chuẩn để các bà nội trợ lựa chọn được các loại cá đông lạnh ngon, đảm bảo tiêu chuẩn cho gia đình mình.
1. Mắt cá biển tươi sáng, lòng đen rõ ràng
Khi mua cá biển nên chọn những chú cá tươi có mắt sáng, lòng đen rõ ràng. Trong quá trình đánh bắt và vận chuyển, có thể có 1 số con bị va đập gây đỏ mắt nhưng màu đỏ là màu đỏ thẫm (chảy máu mắt), mắt vẫn sáng, thường bị 1 mắt.
Chúng khác hẳn với những chú cá biển đã bị ươn mới được để đông lạnh. Những chú cá biển ươn thường có 2 mắt đỏ, mờ đục. Hoặc tương tự, những chú cá biển được để đông lạnh dài ngày cũng khiến mắt bị mờ đục, không nên lựa chọn.
2. Da cá biển tươi sáng bóng, óng ánh, có nhớt
Nếu quan sát về da của những chú cá biển cấp đông tươi, sẽ nhận thấy rõ da cá tươi sáng bóng, óng ánh, luôn có nhớt khi rửa. Điều này khác hẳn với cá biển ươn cấp đông. Khi ấy da cá ươn thường xỉn màu, không ánh lên khi đưa ra ánh sáng và bị bong tróc.
Hình ảnh cá biển cấp đông được bày bán ở các siêu thị.
3. Bụng cá biển chắc
Nếu để ý bụng của những chú cá biển tươi cấp đông hay đông lạnh tươi, bạn sẽ thấy bụng cá tươi rất chắc. Ngược lại cá ươn đông lạnh bụng dễ vỡ khi đụng vào.
4. Mang cá biển tươi hồng đậm hoặc đỏ tươi
Khi nhìn vào mang cá biển tươi cấp đông, bạn sẽ thấy mang cá tươi hồng đậm hoặc đỏ tươi (tùy thuộc vào độ tươi của cá). Còn những chú cá ươn có màu nhạt và xỉn.Còn bụng của những chú cá biển cấp đông hay đông lạnh tươi, bạn sẽ thấy bụng cá tươi rất chắc.
5. Mùi vị khi chế biến thơm, ngọt tự nhiên
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất khi chế biến cá biển tươi cấp đông chính là mùi vị của chúng. Những chú cá biển tươi luôn thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên. Còn những chú cá biển ươn thì xộc mùi khẳn khó chịu.
6. Cá biển tươi khi ăn thịt mềm không bở
Khi ăn cá biển tươi cấp đông, bạn vẫn thấy cá có thịt rất mềm nhưng không bở chút nào. Ngược lại cá biển được ướp đạm để để lâu, giúp bảo quản được độ tươi của cá thì thịt cá thường rắn, dai. Còn cá biển ươn đông lạnh, thịt cá thường mủn, bở.
Tóm lại, theo chia sẻ của các bà nội trợ có kinh nghiệm lâu năm, cũng như các món hải sản khác, nếu xa biển thì hãy ăn đồ cấp đông như thế mới đảm bảo được độ tươi. Ngoài ra hãy mua cá ở những địa chỉ bán hàng uy tín để mua được cá biển chất lượng, an toàn nhất cho bữa cơm gia đình.
Để mua được những quả bơ già, thịt dày, không bị thâm hư bên trong, chị em nên bỏ túi một số mẹo vặt.
Nguồn: [Link nguồn]