Ăn uống thừa thãi, người Việt đối mặt với 2 căn bệnh “chết người”
Đái tháo đường, mỡ máu là những bệnh âm thầm phá hủy sức khỏe của người Việt nhanh nhất. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu không bắt đầu thay đổi lối sống từ hôm nay thì đại dịch bệnh tật không lây nhiễm sẽ gia tăng chóng mặt.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có trên 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguy hiểm hơn 50% trong số này không biết mình đang bị bệnh.
Hơn nữa, theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), có trên 50% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chết vì căn bệnh này trước 60 tuổi.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, số người mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường tăng cao là do nhiều người không biết mình bị rối loạn chuyển hóa. Những mặt trái của xã hội hiện đại như hạn chế vận động, stress, yếu tố ô nhiễm môi trường, kể cả việc người Việt vẫn giữ thói quen ăn nhiều cơm và các chất bột đường khác là những nguyên nhân chính gây bệnh rối loạn chuyển hóa gia tăng hiện nay.
Bệnh tiến triển từ từ và không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt khiến nhiều người chủ quan không đi kiểm tra thường xuyên, đến khi xuất hiện các biểu hiện bất thường như mờ mắt, tê chân đi khám thì bệnh ở giai đoạn muộn và gây ra tốn kém chi phí chữa trị.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo, trước đây bệnh tiểu đường thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là bệnh mạn tính nên phải theo dõi và điều trị suốt đời. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương… và thậm chí gây tử vong.
Đối với bệnh lý mỡ máu hiện nay cũng gia tăng ở cả người trẻ, trẻ nhỏ. Mỡ máu bao gồm một số thành phần chính như cholesterol toàn phần, cholesterol tốt, cholesterol xấu, lipoprotein, apoprotein, axít béo tự do, phospholipid và triglycerid. Trong đó, các loại cholesterol chiếm đến 60 - 70%. Mỡ máu rất cần thiết cho sự sống của cơ thể để duy trì mọi hoạt động bình thường. Tuy vậy, khi mỡ máu tăng cao, kéo dài sẽ bất lợi cho sức khỏe người bệnh.
Mỡ máu là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa hay gặp và nguy hiểm, bệnh cũng có xu hướng trẻ hóa.
Theo thông tin của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ có liên quan tới mỡ máu tăng cao thường xuyên, trong đó 50% tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời.
Một thống kê khác của Viện dinh dưỡng, có 29% người trưởng thành Việt Nam bị mỡ máu tăng cao, trong đó 44,3% người ở khu vực thành thị, tức là cứ gần 3 người có 1 người mỡ máu cao.
Những con số đó cho thấy mỡ máu tăng cao có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân và gây những hệ lụy khôn lường.
Tiến sĩ Tiến phân tích: Tăng mỡ máu liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật, nhiều chất bột đường và thói quen ít vận động, sử dụng nhiều rượu, bia, hút thuốc lá… là nguy cơ xơ vữa mạch máu gây tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
TS Tiến nhấn mạnh, đái tháo đường tuyp 2, mỡ máu ngày nay không còn là bệnh của nhà giàu; khi đã mắc bệnh, người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời, kiêng cữ ăn uống. Vì vậy, để kiểm soát tốt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường – mỡ máu, TS Tiến khuyến cáo người dân nên thay đổi thói quen ăn uống, tăng cường vận động thể lực để tiêu hao năng lượng dư thừa.
Chủ quan sau khi bị tiêu chảy do ăn 1 bát rau để qua đêm, người đàn ông đã nhận hậu quả là mắc bệnh suy thận cấp do...