Ăn gì để không tăng cân trong ngày Tết?

Sự kiện: Món ngon ngày Tết

“Nếu ăn nhiều món ăn giàu đạm, nhiều chất béo vào dịp Tết sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo.

Ăn gì để không tăng cân trong ngày Tết? - 1

Bánh chưng - thủ phạm tăng cân nhanh chóng trong ngày Tết

Bánh chưng, mứt Tết - thủ phạm gây tăng cân

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, bánh chưng và mứt là hai món ăn khiến chúng ta bị tăng cân.

Bà Lâm phân tích, bánh chưng được làm từ gạo nếp, 100 g gạo nếp có 344 kcal. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh,… Do đặc tính dẻo, dính nên ăn đồ nếp nói chung, bánh chưng nói riêng, năng lượng chúng ta nạp vào cao hơn khi ăn cùng số lượng tương đương với cơm tẻ. Chính vì vậy, ăn nhiều bánh chưng khiến nhiều chị em tăng cân nhanh chóng.

Đặc biệt, nhiều người thay vì ăn bánh chưng luộc thông thường lại có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị hấp dẫn, thơm ngon hơn. Tuy nhiên, bánh chưng khi được chiên rán sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Ăn nhiều sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.

Còn với mứt, PGS Lâm cho hay, mứt được làm với nhiều loại trái cây, củ đa dạng.  Dù có nguồn gốc hoa quả nhưng đáng lưu ý là các loại mứt đều đã qua các công đoạn chế biến làm thay đổi giá trị dinh dưỡng rất nhiều. 

“Qua quá trình nấu, sấy dưới tác động của nhiệt, các loại trái cây hầu như đã mất hết chất dinh dưỡng, sau đó, càng để lâu, dinh dưỡng càng bị hao mòn. Do đó, mứt hầu như không có giá trị về mặt dinh dưỡng”, PGS Lâm cho hay.

Tuy nhiên, các loại hoa quả qua sơ chế không còn dinh dưỡng nhưng lại được tẩm đường rồi xào để thành mứt, chưa kể đến việc các loại mứt ngoài thị trường được chế biến bằng đường hóa học. Trong khi đó, đường không tốt với những người thừa cân, béo phì, cao huyết áp,… Chúng chính là thủ phạm gây tăng cân bởi với món ăn vặt này, chúng ta thường khó kiểm soát được số lượng ăn hàng ngày.

Phải ăn theo mức độ vừa phải

Theo PGS Lâm, muốn cân đối các món ăn trong ngày Tết, phải ăn theo mức độ vừa phải nhưng lưu ý ăn thêm các món cá nấu, cá kho. Ngoài ra, nên ăn xen kẽ các bữa bằng rau. Như vậy, sẽ đảm bảo cân đối hơn đỡ dư thừa năng lượng. Đối với người trưởng thành ăn 200 gam rau xanh 1 bữa.

Đối với trẻ, bố mẹ nên duy trì 4 nhóm thực phẩm như: tinh bột, rau xanh, đạm, chất béo.

PGS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý, những người mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường nên kiêng món ăn mặn như dưa cà, nước chấm và ăn nhiều rau xanh, quả chín để hạ huyết áp. Đối với tiểu đường cần chia nhỏ bữa ăn, ăn cân đối. Người bị bệnh tiểu đường,  ngoài 3 bữa chính cần có 3 bữa phụ. Bữa phụ cần ăn táo, ngô hoặc các sản phẩm riêng biệt cho người tiểu đường.

Đối với bánh chưng, thay vì ăn miếng to, chỉ nên ăn một lát bánh thật mỏng và không ăn thêm tinh bột khác như cơm, xôi, bánh mì. Đặc biệt, bạn nên ăn cùng chất xơ như dưa món, dưa hành, trái cây và rau xanh để chuyển hóa chất bột đường được nhanh hơn đồng thời không bị ngán.

PGS Lâm cũng khuyến cáo, bạn nên thay thế các món ăn nhiều đường bằng các loại trái cây tươi vừa giàu vitamin vừa chứa nhiều chất xơ lành mạnh tốt cho sức khỏe. Những loại trái cây sạch và đúng vụ vào dịp Tết rất nhiều như cam, bưởi, ổi,…

Đặc biệt, trong những ngày Tết, cố gắng duy trì nhịp độ sinh hoạt và ăn uống không thay đổi nhiều so với ngày thường. Tránh ăn lặt vặt suốt ngày mà nên dồn thành bữa ăn chính hoặc phụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Món ngon ngày Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN