9 sai lầm phổ biến khi chế biến thịt lợn khiến thịt dai nhách, mất sạch dinh dưỡng
Thịt lợn có thể dễ dàng chế biến ra nhiều món ăn nhưng bạn cần tránh một số sai lầm sau đây để tránh thịt bị dai và mất sạch dinh dưỡng.
1. Chọn sai miếng thịt lợn
Những phần thịt lợn khác nhau sẽ có cách chế biến khác nhau. Ví dụ, nếu bạn muốn làm món thịt nướng, hãy chọn miếng thịt có phần nạc và nhiều mỡ ở vai hoặc mông. Chất béo tiết ra khi chế biến khiến thịt được ẩm và mềm hơn.
Ngoài ra, nếu bạn muốn có miếng sườn nướng thơm ngon, hãy chọn phần xương sườn. Phần xương đó sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong và tránh nấu quá chín.
Bạn cũng cần phân biệt giữa phần thịt thăn, thịt nạc, thịt ba chỉ… Tuỳ vào từng món ăn mà có cách chế biến và chọn phần thịt phù hợp.
2. Không ướp thịt lợn
Dù bạn có chọn phần thịt nào đi chăng nữa, trước khi chế biến cần phải ướp. Bước ướp thịt này sẽ khiến thịt thấm gia vị, đậm đà và ngon hơn sau khi nấu. Ít nhất, đừng tiết kiệm muối và hạt tiêu, bất kể bạn đang chế biến loại thịt lợn nào.
Điều đó đặc biệt đúng khi bạn nấu những miếng thịt lợn nạc, sườn và thịt thăn. Nếu bạn muốn làm món sườn nướng, hãy ướp thật nhiều nước sốt, để miếng thịt được thấm đẫm gia vị.
3. Cắt bớt mỡ từ miếng thịt
Trừ khi bạn chọn phần nạc nhất của con lợn, hầu hết những miếng thịt lợn ngon sẽ có ít nhất một ít mỡ xung quanh mép hoặc thậm chí có vân mỡ trong suốt. Chất béo tạo thêm nhiều hương vị, đồng thời giữ ẩm cho thịt trong khi nấu, đặc biệt nếu bạn nấu món sườn xào chua ngọt.
Nếu bạn lo ngại về chất béo vì lý do sức khỏe, hãy cắt bỏ phần mỡ này sau khi thịt chín, ngay trước khi dùng.
4. Lấy thịt từ tủ lạnh ra nướng ngay
Việc cho ngay miếng thịt đang lạnh vào chảo hoặc vỉ nướng không phải là ý kiến hay. Điều này có thể dẫn tới tình trạng bên ngoài cháy xém mà bên trong chỉ vừa chín tới.
Nếu thịt để ngăn mát, bạn nên để ra ngoài nhiệt độ phòng một lúc. Đối với thịt đông đá, chắc chắn cần phải rã đông chúng trước khi nướng.
5. Đổ dầu vào chảo hoặc vỉ nướng
Một số người có thói quen cho một ít dầu vào chảo hay vỉ nướng khi chế biến thịt với mục đích tránh để thịt bị cháy hoặc dính. Tuy nhiên, bạn có thể thay thế một cách khác hơn, đó là phết dầu vào miếng thịt thay vì trút vào chảo.
Cách làm này sẽ giúp thịt có một lớp bảo vệ nhiệt đồng đều và dầu không bị cháy quá nhanh trong chảo. Nếu bạn nướng thịt lợn, việc phết dầu cũng giúp thịt không bị dính vào vỉ hoặc bị khô.
Việc phết dầu lên thịt lợn sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn chà xát lên thịt. Điều này sẽ giúp gia vị bám đều trên toàn bộ bề mặt, giúp hương vị thấm sâu vào thịt.
6. Không làm chín thịt trước khi hầm
Trước khi hầm thịt, bạn cần làm chín thịt trước bằng cách chiên sơ cháy cạnh, áp chảo bề mặt thịt hơi xém. Bằng cách này thịt sau khi hầm vẫn giữ nguyên được lớp vỏ hấp dẫn bên ngoài, thịt bên trong mềm ngon.
Việc tiếp xúc với nhiệt độ cao đột ngột tạo ra cái gọi là phản ứng Maillard, cho phép chất béo có tự nhiên trong thịt chuyển sang màu nâu trên bề mặt, tạo ra nhiều hương vị cũng như kết cấu hấp dẫn hơn.
7. Nấu quá lâu ở nhiệt độ cao
Khi nấu thịt quá lâu ở nhiệt độ cao, nó sẽ phá huỷ hoàn toàn miếng thịt. Thịt sẽ bị khô hoặc cháy. Để tránh rủi ro này, khi nhìn thấy màu nâu sẫm trên 2 mặt miếng thịt là lúc cần tắt bếp.
8. Nấu chưa chín thịt
Theo trang Healthline, thịt lợn sống hoặc nấu chưa chín có thể mang vi khuẩn và ký sinh trùng, bao gồm cả bệnh trichinosis và sán dây.
Thịt cần phải được nấu chín để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Nếu miếng thịt quá dày, bạn cần phải cắm nhiệt kế vào để xác định xem miếng thịt đã chín hay chưa.
9. Nấu thịt ba chỉ quá nhanh
Thịt ba chỉ chứa nhiều mỡ, nếu không được nấu chín đúng cách, nhiệt sẽ không thể xuyên qua thịt và thịt sẽ trở nên dai.
Để có món thịt ba chỉ thơm ngon, cách tốt nhất của bạn là om hoặc nướng ở nhiệt độ thấp hơn trong thời gian lâu.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà chị em có thể chọn 1 trong 2 cách này để bảo quản thịt.