7 đặc sản ngon "chảy nước miếng" ở Lạng Sơn
Đến Lạng Sơn, bạn không thể bỏ lỡ những món ngon như bánh áp chao, phở chua, bánh cao sằng, hay khâu nhục.
Bánh áp chao
Bánh áp chao là một trong những món ăn vặt xứ Lạng mà bạn nhất định phải thử. Ở trên đường phố Lạng Sơn có khá nhiều quán ăn đêm có bán món ăn dân dã này thế nên dù giá nào bạn cũng hãy dành thời gian để nếm thử bánh áp ngon “quên lối về” ở đây nhé.
Bánh áp chao ngon "quên lối về" ở Lạng Sơn
Loại bánh này được chế biến từ gạo nếp và gạo tẻ, với tỷ lệ gạo nếp chiếm 3/4. Gạo được đem xay bột nước, lọc bột cho khô ở độ rền rệt, sau đó được cho thêm lá hành, chút xì dầu vào bột đảo đều. Nhất là trong thời tiết trời se lạnh, có thể nhấp một chút rượu Mẫu Sơn cùng món bánh này thì không gì tuyệt vời hơn!
Phở chua
Nếu nhắc đến phở người ta sẽ nghĩ ngay Hà Nội hay Nam Định thì phở chua lại là món ăn đặc sắc của Lạng Sơn. Một tô phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn 10 loại nguyên liệu đặc biệt như: bánh phở, khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ quay xá xíu, lạp xưởng, bột chao, lạc, dưa chuột cùng các loại rau thơm...
Phở chua xứ Lạng
Với cách thức chế biến cầu kỳ như vậy, phở chua, hội tụ đầy đủ "ngũ vị" với giòn, bùi của khoai, của lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột, chua dịu của nước dùng, cay của thứ măng ớt gia giảm. Đây là một món ăn mang đậm bản sắc Lạng Sơn.
Bánh mì nướng Lạng Sơn
Với những ai mê ẩm thực Lạng Sơn hẳn sẽ không thể không nhắc tới bánh mì nướng. Bánh mì được người Lạng Sơn sáng tạo theo công thức riêng để tạo thành một món ăn vặt ngon, rất dễ gây nghiện.
Bánh mì nướng thường có hai loại là bánh có nhân và bánh không nhân và trải qua 2 công đoạn. Công đoạn đầu tiên là nướng với dầu ăn, sau đó là thêm lớp hỗn hợp dầu hào, mật ong giúp bánh có màu vàng sánh và thơm ngon.
Bánh mì nướng Lạng Sơn
Thứ làm nên vẻ hấp dẫn của món ăn này còn nằm ở nước chấm được chế biến rất đặc sắc với vị cay của ớt, vị ngọt của đường, vị chua của quất,…Thế nên người ta thậm chí có thể dễ dàng ăn 2-3 chiếc bánh mì thơm giòn với bát nước chấm đầy hương vị như thế này.
Bánh cao sằng
Bánh cao sằng được chế biến khá cầu kỳ, đem đến tạo hình bắt mắt và hương vị thơm ngon khi thưởng thức. Đặc biệt, món ăn này nên ăn khi còn nóng sẽ khiến bạn cảm nhận trọn vẹn hương vị của bánh.
Bánh cao sằng xứ Lạng
Phần bánh được làm từ bột gạo nếp tuyển chọn kỹ càng, phần nhân gồm thịt xay nhuyễn cùng hành phi khô rắc lên trên mặt bánh, tạo nên sự kết hợp không thể nào tuyệt hơn, có thể thấy sự sáng tạo của người dân Lạng Sơn là không giới hạn. Một suất bánh cao sằng chỉ từ 25.000 – 30.000 đồng, mức giá rất phải chăng.
Bánh cuốn trứng
Cũng được tráng như bột gạo nước nhưng thay vì phần nhân thịt mộc nhĩ thì ở đây người ta lại đập một quả trứng vào giữa nồi hấp rồi đậy nắp vung cho trứng chín hơi, sau đó mới dùng que tre gấp bánh lại và cho ra đĩa. Bên trên dĩa bánh cuốn được rắc chút thịt băm chà nhuyễn có màu vàng nâu hấp dẫn.
Bánh cuốn trứng
Nước dùng của bánh cuốn ở đây không phải là nước mắm pha như bình thường mà gồm một chút thịt xay rang khô và bông lên, rắc chút rau mùi thái nhỏ rồi mới rót lên thứ nước mắm chấm mỡ hành pha vừa vị. Đặc biệt theo đúng tinh thần xứ Lạng, mỗi bàn ăn đều có thêm một lọ măng ngâm ớt để bạn tùy ý gia giảm vào bát nước chấm của mình.
Khâu nhục
Món ăn nghe tên khá lạ và vui miệng nhưng là một trong những món đặc sản Lạng Sơn không thể bỏ qua. Khâu nhục cũng được xem là món ăn độc đáo và sang trọng của người Nùng ở đây.
Khâu nhục - món đặc sản của dân tộc Nùng
Món ăn này đòi hỏi kĩ thuật nấu nướng khá phức tạp với sự kết hợp của nhiều loại gia vị đặc trưng như khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục thường được ăn kèm với xôi, bánh gật gù hay cơm... đều sẽ rất ngon miệng.
Heo quay với lá mắc mật
Khác với heo quay của các vùng miền khác, heo quay mắc mật duy nhất chỉ có tại Lạng Sơn. Du khách lần đầu tiên sẽ được thưởng thức món heo quay đúng chất Lạng Sơn với phần bì giòn tan, thịt mềm ngọt của lợn non.
Heo quay lá mắc mật
Lợn được chọn chỉ khoảng 15 – 25kg nên thịt còn rất mềm và ngọt, khi lợn được đặt nguyên con trên bếp củi nướng than hồng, người chế biến sẽ cho lá mắc mật bánh tẻ vào trong bụng tạo ra mùi hương vô cùng hấp dẫn. Tiếp đó, khi thịt lợn ngả vàng, những giọt mật ong và dầu ăn sẽ được quét lên thân vừa tạo màu đẹp vừa có độ thơm ngon nhất định.
Nguồn: [Link nguồn]
Đến Lai Châu vào đúng thời điểm, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn, mang đậm bản sắc của vùng núi Tây Bắc.