6 mẹo nhỏ giúp bạn thoải mái ăn cơm mà không lo bị tăng cân
Trên thực tế, không phải ai ăn nhiều tinh bột cũng bị thừa cân, béo phì bởi họ vẫn giữ được sự cân bằng năng lượng và đầy đủ các chất trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Cơm là món ăn quen thuộc từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người sợ ăn cơm sẽ bị tăng cân nên cắt giảm cơm ra khỏi bữa ăn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là một sai lầm.
Thực tế, nhiều người cắt hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn không chỉ không giảm được cân mà còn thường có hiện tượng buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu và luôn uể oải, khó tập trung do não không được cung cấp oxy...
Ảnh minh họa
Cơm không phải là thủ phạm gây thừa cân
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, nhiều người đang có cách hiểu sai về cơm. Không phải cứ ăn cơm là tăng cân. Tăng cân đến từ việc cơ thể ít vận động nhưng khả năng tiêu hóa lại tốt. Thực tế, có nhiều người được gọi là "người gầy, thầy cơm", vì dù ăn nhiều cơm bao nhiêu họ vẫn không thể béo lên được.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) đã khẳng định, giảm cân bằng việc nhịn cơm là hoàn toàn sai lầm vì cơm sẽ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và oxy cho não. Nếu nhịn cơm sẽ gây buồn ngủ, gật gù, mệt mỏi… Vì vậy cần phải bổ sung tinh bột vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình.
Theo bác sĩ Tường Vi, nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì là năng lượng nạp vào từ ăn uống vượt quá năng lượng cơ thể tiêu hao thông qua các hoạt động thể lực. Nếu như giảm cân bằng cách không ăn cơm nhưng thay vào đó ăn các loại hoa quả, nước uống có ga như đường bột… thì vẫn tăng cân như thường.
Thực tế, không phải ai ăn nhiều tinh bột cũng bị thừa cân, béo phì bởi họ vẫn giữ được sự cân bằng năng lượng và đầy đủ các chất trong khẩu phần ăn như đạm, chất béo cũng như tinh bột.
6 mẹo nhỏ để ăn cơm mà không bị tăng cân
Ảnh minh họa
Nên trộn lẫn gạo trắng và gạo lứt
Khi nấu cơm, bạn có thể cho thêm 1 nắm gạo lứt nấu trộn vào gạo trắng. Vì gạo lứt vẫn còn giữ được lớp vỏ hạt, lớp Aleurone và phôi của gạo, nó chứa nhiều vitamin và chất xơ. Khi ăn cơm được nấu trộn chung, các chất này sẽ có hiệu quả trong việc duy trì cân nặng của bạn.
Nên nhai chậm
Khi bạn nhai kỹ, cơm sẽ được nghiền nhỏ hơn, tinh bột được trộn đều với enzyme trong nước bọt, từ đó giúp cơm được tiêu hóa hiệu quả. Việc nhai chậm và kỹ giúp bạn biết rõ khi nào mình đã no và kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể tốt hơn.
Ăn rau trước khi ăn cơm
Rau chứa nhiều vitamin và chất xơ, tốt cho cơ thể, mang lại cảm giác nhanh no, hạn chế ăn quá nhiều trong bữa ăn. Trước khi ăn cơm, bạn nên ăn một chút rau xanh, ưu tiên các loại rau sống hoặc rau hấp, luộc. Việc này giúp tạo cảm giác no, hạn chế ăn nhiều cơm trắng.
Uống nước trước giờ ăn
Trước giờ ăn cơm, bạn hãy uống một cốc nước lọc. Uống nước sẽ kích thích dạ dày, tạo cảm giác no, giúp bạn tiêu thụ ít thức ăn hơn từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Ăn với đĩa nhỏ
Với cùng một lượng thức ăn như nhau nhưng khi bày ở các đĩa nhỏ, bạn sẽ thấy chúng có cảm giác đầy đặn hơn, khiến bạn hạn chế ăn thêm. Ngược lại, nếu bạn bày thức ăn trên đĩa lớn, bạn sẽ có xu hướng nghĩ chỗ thức ăn đó hơi ít và muốn ăn thêm.
Tránh ăn cơm chiên/cơm rang
Cơm gạo trắng vốn dễ gây tăng cân. Đem cơm trắng đi chiên/rang khiến nó ngấm nhiều dầu mỡ, gia vị và càng làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.
Nếu nấu cơm không đúng cách, rất dễ rơi vào tình trạng cơm bị nhão, khô, không có mùi thơm, ăn rất dở.
Nguồn: [Link nguồn]