5 điều cần biết về cải xoong - loại rau Việt được nước Mỹ chấm 10 điểm, là rau 'tốt nhất thế giới'
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố cải xoong là “loại rau tốt nhất thế giới" nhờ thành phần dinh dưỡng của chúng.
1. Giá trị dinh dưỡng của cải xoong
Cải xoong còn có tên gọi khác là cải xà lách xoong, xà lách xoong. Đây là một loại thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh (ưa môi trường ẩm ướt và chủ yếu mọc ven suối trong tự nhiên), sống lâu năm và lớn nhanh, được con người biết đến và dùng làm thực phẩm từ rất lâu. Là thành viên của họ Cải (Brassicaceae), về mặt thực vật học cải xoong có họ hàng với rau tần và mù tạc - tất cả chúng đều có mùi vị hăng và cay đặc trưng.
Theo bảng xếp hạng rau củ của CDC thì cải xoong đạt 100/100 điểm về dinh dưỡng, đánh bại các loại rau như cải cầu vồng (89,27 điểm), củ dền (87,08 điểm), thậm chí hàm lượng dinh dưỡng của cải xoong còn xếp trên cả rau cải bó xôi (86,43 điểm).
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong cải xoong có chứa rất nhiều sắt, phốt pho, i-ốt, vitamin C và glucozit… Hơn nữa, cải xoong còn chứa nhiều vitamin, sắt, canxi, magiê, mangan, kẽm và kali hơn so với bông cải xanh, táo và cà chua.
Cụ thể, 100g cải xoong chứa 11kcal năng lượng, trong đó có 0,1g chất béo, 160mcg vitamin A, thiamine (0,09 miligam), riboflavin (0,12 miligam), axit pantothenic (0,31 miligam), vitamin B6 (0,125 miligam), sắt (0,2 miligam), khoảng 1,29 g carbohydrate, 2,3 g protein, 95 g nước, 120 miligam canxi, 21 miligam magiê, 60 miligam photpho, 330 miligam kali, 41 miligam natri, 43 miligam vitamin C…
Theo bảng xếp hạng rau củ của CDC thì cải xoong đạt 100/100 điểm về giá trị dinh dưỡng.
2. Công dụng tuyệt vời của cải xoong đối với sức khỏe
CDC cho biết các axit amin cao cấp đều được tìm thấy trong cải xoong. Loại rau này cũng chứa hàm lượng calo ít, chúng có thể giúp bạn cân bằng dinh dưỡng một cách tổng thể.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cải xoong còn được coi là chất chống oxy hóa. Những người nào ăn cải xoong trước 2 giờ khi tập thể dục sẽ giúp họ giảm được chứng đau cơ.
Vì cải xoong còn chứa một hàm lượng lớn sắt, canxi, kali, magie, vitamin K phong phú giúp xây dựng xưng và cơ bắp, chúng cũng giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào não. Đồng thời, cải xoong còn được biết đến là loại rau góp phần cải thiện sức khỏe nhận thức, trí não nhờ vào hàm lượng folate có trong chúng.
Ngay cả Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCIA) cũng đánh giá cải xoong có thể giúp phá hủy các chất gây hại cho cơ thể. Chúng chứa hàm lượng vitamin C nhiều hơn cam, chanh…
Ngay cả Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCIA) cũng nhìn nhận cải xoong có thể giúp phá hủy các chất gây hại cho cơ thể.
Với đặc tính giàu sắt, cải xoong rất tốt cho sức khỏe phụ nữ. Phụ nữ ăn loại rau này vào những ngày đang trong chu kỳ kinh nguyệt là một cách bổ sung sắt tuyệt vời. Vì thế, chị em nên thường xuyên ăn cải xoong để bảo vệ sức khỏe nội tiết hiệu quả hơn, cũng như phòng chống lão hóa tốt hơn.
Còn trong trong Đông y, theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết trên soha.vn, cải xoong tính hàn, vị hơi đắng và hắc, có tác dụng lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, giải độc ..., chữa chảy máu chân răng, bí tiểu khó đi tiểu, lao phổi, viêm phế quản kinh niên, đái tháo đường, sỏi thận, mật, phòng bệnh bướu cổ, trị tàn nhang…
3. Những lưu ý khi ăn rau cải xoong
Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng không nên sử dụng loại rau này quá nhiều, vì chúng có thể gây kích ứng bàng quang, thận và dạ dày. Lý do là trong 100g cải xoong có thể đáp ứng đủ lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày, nên nếu tiêu thụ quá mức, tinh dầu mù tạt có trong cải xoong sẽ gây kích ứng bàng quang, thận và dạ dày.
Khi rửa rau cải xoong cần chú ý cần rửa sạch rửa kỹ, ăn chín uống sôi, chỉ nên ăn sống rau cải xoong biết rõ nguồn gốc
Lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh trên trang soha.vn, cải xoong sinh sôi phát triển rộng ở những khu vực ao tù nước đọng, nơi có nhiều chất thải động vật - môi trường là ổ chứa của một số loài động vật ký sinh trùng như sán lá gan, vắt, đỉa… Nếu ăn rau cải xoong sống hoặc tái, nguy cơ nhiễm sán rất cao. Khi rửa rau chú ý cần rửa sạch rửa kỹ, ăn chín uống sôi, chỉ nên ăn sống rau cải xoong biết rõ nguồn gốc nơi trồng, tránh mang bệnh.
Ngoài ra, mặc dù cải xoong tốt cho phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, nhưng phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu không nên ăn quá nhiều cải xoong, vì nó có thể gây sẩy thai.
4. Bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh từ cải xoong
Cải xoong đem lại hiệu quả chữa bệnh, nhất là trong việc bổ sung sắt, cũng như chữa nhiều bệnh ngoài da thường gặp vào mùa đông. Một số món ăn bài thuốc chữa bệnh từ cải xoong mà chúng ta có thể tận dụng đó là:
- Thúc đẩy giảm cân, các bệnh ngoài da, xơ cứng động mạch ở người cao tuổi: Chỉ cần đem chế biến cải xoong như xào tỏi hoặc luộc chấm xì dầu, ăn đều đặn sẽ rất tốt cho người muốn giảm cân, chống một số bệnh ngoài da như mẩn ngứa, mề đay…
Ăn cải xoong giúp chống một số bệnh ngoài da như mẩn ngứa, mề đay…
- Thanh nhiệt, giải độc cơ thể: Vào mùa khô hanh nếu bị nhiệt lợi, lưỡi, môi, khoang mũi có mụn nhọt thì ăn canh cải xoong sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Hoặc dùng cải xoong tươi (lưu ý mua rau được trồng trong môi trường nước sạch) cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc nước uống mỗi ngày 2 lần cũng sẽ có công dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.
- Chữa bí tiểu: Món ăn - bài thuốc này cầu kỳ hơn một chút. Lấy cải xoong tươi 45g, 20g củ hành tây, 15g củ cải trắng, tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô sắc với 1 lít nước còn 300 ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 7 ngày. Hoặc rau cải xoong rửa sạch, để ráo, trần qua nước sôi trộn với dầu vừng (dầu mè) và dấm ăn trong ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày.
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Cải xoong 150g, 30g củ cải, 10g cần tây, 20g cải bắp, 15g cà rốt, 10g tía tô. Tất cả rửa sạch, giã nát hoặc ép lấy nước uống. Uống ngày 1 cốc.
- Giúp phòng bệnh bướu cổ: Trường hợp này các bạn nấu cải xoong với tôm. Cụ thể, cải xoong rửa sạch để ráo, tôm tươi rửa sạch, lột vỏ và ướp với bột nêm, tiêu bột, hành tím giã dập cho thấm. Bắc nồi lên bếp phi dầu ăn với tỏi cho thơm rồi cho tôm vào đảo chín. Tiếp đó bắc chảo xuống, cho ngay cải xoong vào nồi trộn đều với giấm (hoặc nước chanh tươi), rau thơm, đậu phụng rang giã dập, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi tuần nên ăn 3-4 lần.
5. Gợi ý các món ăn ngon từ cải xoong
Cải xoong xào hải sản
Ngoài cách xào cải xoong với tôm ở trên, bạn cũng có thể xào cải xoong cùng thịt bò hay với tỏi đều thơm ngon và bổ dưỡng. Rau cải xoong cũng có vị ngọt nhẹ, ăn giòn giòn kết hợp với hải sản tươi ngon sẽ rất hợp.
Cải xoong xào hải sản
Mì ramen dưa hấu cải xoong
Nói là mì ramen vì khi kết hợp sẽ tạo ra món ăn bổ dưỡng nhưng mới lạ, chứ các bạn có thể nấu cải xoong với các loại mì khác. Tuy nhiên, vì sợi mì ramen dai dai, khi kết hợp với kim chi dưa hấu chua chua, cộng với rau cải xoong sống giòn ngọt thanh sẽ cho ra một món ăn độc đáo ngon vô cùng.
Món ăn mì ramen dưa hấu cải xoong
Cải xoong ăn kèm lẩu
Cải xoong ăn kèm được các loại lẩu từ lẩu bò, lẩu gà cho đến lẩu mắm ghẹ, lẩu hải sản... đều mang đến vị ngon khó cưỡng. Bởi vì, rau cải xoong sạch có thể ăn tái nên khi nhúng qua nước lẩu vừa giữ nguyên được chất dinh dưỡng, chống ngấy, giòn ngon và giúp cơ thể bổ sung thêm chất xơ trong khi nhân lẩu thường nhiều chất đạm. Vì thế ăn rau cải xoong kèm lẩu có lợi cho tiêu hóa.
Cải xoong ăn kèm lẩu có lợi cho tiêu hóa vì chúng giúp bổ sung chất xơ trong khi lẩu thường nhiều thịt nên nhiều đạm.
Salad cải xoong
Vì cải xoong sạch có thể ăn sống nên chắc chắn không thể bỏ qua món salad cải xoong. Đây là món ăn giúp thanh nhiệt rất tốt, lại dễ làm và nhanh gọn. Vị tươi mát của cải xoong, kèm củ, quả, ngũ cốc, kết hợp trộn với nước sốt chua ngọt nhẹ sẽ giúp kích thích vị giác "cực mạnh". Khi nhà có tiệc, các bạn hãy làm món salad cải xoong này kèm lời giới thiệu về loại rau 'tốt nhất thế giới" sẽ ghi điểm cực mạnh trong mắt khách khứa nhé.
Vì cải xoong sạch có thể ăn sống nên chắc chắn không thể bỏ qua món salad cải xoong.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn: [Link nguồn]