4 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn trứng gà dù có thèm đến mấy
Trong trứng gà có đầy đủ các chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng và các hormone cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, có 4 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn vì sẽ khiến bệnh nặng thêm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng gà là thực phẩm rất tốt. Những người khỏe mạnh, không có bệnh có thể ăn tối đa một quả trứng mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải lượng dinh dưỡng của tất cả các quả trứng đều như nhau vì nó phụ thuộc vào kích thước của quả trứng đó. Trung bình thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gà chứa 187mg cholesterol. Trứng có chứa lượng cholesterol đáng kể nhưng lại có tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol do lecithin có vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Lòng trắng trứng không chứa chất béo và có lượng calo thấp hơn lòng đỏ nhưng lại chiếm hơn nửa trong tổng lượng protein của cả quả trứng. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như niacin, kali, riboflavin và magie, tốt cho sức khỏe chung.
Lòng đỏ trứng ít protein hơn lòng trắng nhưng lại chứa phần lớn các vitamin A, B6, B12 và D, canxi, folate và omega-3, cung cấp cholesterol, axit béo thiết yếu. Vì vậy, lòng đỏ được cho là đậm đặc dinh dưỡng hơn, cung cấp khoảng 55 calo.
Khi bạn đem quả trứng đi chế biến, thêm dầu, bơ, hoặc ăn với thịt xông khói, xúc xích, phô mai thì hàm lượng calo của quả trứng sẽ tăng lên đáng kể.
4 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn trứng gà
Người mắc bệnh tim mạch
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Western (Canada) cho biết, ăn 3 quả trứng trong vòng 1 tuần sẽ làm cho các mảng bám ở thành động mạch dày lên. Những mảng bám này sẽ khiến không gian bên trong của động mạch bị thu hẹp lại. Điều này khiến máu chảy khó khăn hơn, buộc trái tim của bạn phải bơm máu nhanh và mạnh hơn. Và đó là nguy cơ làm tăng các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Bên cạnh đó, trường hợp mảng bám vỡ ra sẽ hình thành các cục máu đông, ngăn dòng chảy của máu và gây ra cơn đột quỵ hoặc đau tim. Chưa kể hàm lượng cholesterol trong trứng cao không tốt cho người bị chứng bệnh xơ vữa động mạch vì nó làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn vùng động mạch vành.
Người bị tiêu chảy
Nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ mất nước và chất dinh dưỡng nên cần bồi bổ cơ thể bằng cách ăn nhiều trứng gà. Thật ra, đây là quan niệm sai lầm. Bởi khi bị tiêu chảy, dịch tiêu hóa sẽ tiết ra ít hơn, hoạt tính men tiêu hóa bị giảm nên việc hấp thu chất mỡ, đạm và đường thường bị rối loạn. Cho nên, việc bổ sung trứng gà (thực phẩm giàu đạm và chất béo cho người bệnh không những sẽ làm mất đi tác dụng bổ dưỡng cơ thể, mà ngược lại còn làm cho tình trạng bệnh càng nặng thêm.
Người đang bị sốt
Thành phần chủ yếu của trứng gà là chất đạm, trong đó, chủ yếu là nhóm chất đạm có thành phần đơn giản và luôn ở trạng thái hòa tan nên rất dễ hấp thu vào cơ thể. Dù vậy, sau khi ăn chúng sẽ tạo ra nhiệt lượng rất cao. Do đó, nếu cơ thể đã bị sốt lại còn ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng, làm tình trạng sốt càng thêm trầm trọng, rất khó hạ sốt. Chính vì vậy, khi chăm sóc người bị sốt, người nhà bệnh nhân nên tránh thêm trứng gà vào thực đơn bổ sung dinh dưỡng.
Người bị sỏi mật
Trứng gà là thức ăn có hàm lượng đạm rất cao, trong khi đó, do sự kích thích của viên sỏi lâu ngày trong túi mật, chức năng co bóp của túi mật của người bệnh sẽ yếu dần. Nếu người bệnh dùng thức ăn có hàm lượng đạm như trứng gà, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, khiến túi mật vốn đã bị bệnh phải làm việc quá tải. Từ đó sinh ra các triệu chứng lâm sàng như: gây đau đớn, nôn mửa…
Đôi khi, viên sỏi sẽ theo sự co bóp của túi mật di chuyển đến cuống mật, làm tắc lối thông của dịch mật, gây ứ đọng dịch mật, áp suất bên trong mật tăng cao, dẫn đến đau thắt mật và viêm mật.
Dị ứng trứng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi ăn trứng. Dấu hiệu thường mẩn ngứa, phát ban, đỏ da, sưng mắt, đau dạ dày hoặc chảy nước mũi...
Nguồn: [Link nguồn]