4 loại mứt dễ làm đón Tết, vạn người mê
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ngay từ bây giờ chị em có thể bắt tay vào làm các loại mứt thơm ngon với công thức dễ làm.
1. Mứt dừa
Có thể nói, mứt dừa là món mứt phổ biến nhất trong ngày tết cổ truyền ở Việt Nam. Mời bạn cùng khám phá cách chế biến món mứt dừa thơm ngon, dễ làm.
Nguyên liệu:
- Dừa tươi cả quả. Bạn nên chọn những quả dừa bánh tẻ, tức là dừa không non, không quá già thì mứt dừa sẽ non, dẻo và có độ bùi bùi đúng vị dừa.
- Đường kính
- Bột đậu xanh. Bạn có mua sẵn loại đóng gói ngoài cửa hàng hoặc tự làm bằng cách rang hạt đậu xanh lên rồi cho xay nhỏ thành bột.
- Dụng cụ nạo
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Dừa tươi mua về bạn gọt bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài và nạo sạch phần vỏ giấy bên trong.
- Bạn có thể mua dừa đã được tách sẵn vỏ ngoài chợ/siêu thị hoặc mua dừa về để tự tách vỏ. Vỏ dừa cũng khá cứng, nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên chọn mua cùi dừa đã được tách sẵn vỏ cứng (tránh vỡ vụn miếng dừa khi tách).
Bước 2: Nạo dừa
Đầu tiên bạn cần bổ đôi quả dừa ra và bắt đầu nạo theo chiều ngang (theo vành ngang vừa cắt) để được sợi dài và mỏng.
- Sau khi nạo xong, bạn nên rửa khoảng 2 – 3 lần và ngâm vào nước sạch trong khoảng 12 – 14 giờ để loại bớt dầu dừa.
- Tiếp tục vớt cùi dừa ra và rửa với nước sạch thêm 2 – 3 lần cho hết hẳn dầu và để ráo nước.
- Bạn cũng có thể ngâm cùi dừa vào nước ấm khoảng 75 – 80 độ để khử dầu dừa nhanh và tiết kiệm thời gian.
Bước 3: Ướp dừa
- Cùi dừa nạo thành miếng sau khi đã khử hết dầu và để rá nước, bạn bắt đầu ướp đường, sữa theo tỷ lệ 1 kg đường/ kg dừa và thêm chút sữa đặc vào để tăng thêm vị béo ngậy cho dừa khi làm mứt.
- Sau đó, để cho dừa ngấm đường, sữa trong khoảng 4-5 tiếng trước khi cho lên sao khô.
Bước 4: Sao mứt
- Sau khi đảm bảo rằng đường, sữa đã ngấm vào dừa thì bạn đặtc hảo lên bếp đun nóng rồi đổ dừa vào. Lưu ý là đổ hết cả phần nước chảy ra. Đun chảo dừa với mức lửa nhỏ để dừa khô dần dần.
- Đảo nhanh tay và đều tay để cho dừa không bị dính chảo cháy sém. Sau khi thấy các miếng dừa đã tác rời nhau và có phấn trắng do đường khô lại trên bề mặt thì tắt bếp, để chảo trên bếp thêm một lúc nữa cho dừa khioo hẳn rồi bày ra đĩa hoặc dụng cụ chứa tùy ý.
- Đợi dừa nguội thì đổ dừa ra rổ lớn, trải đều ra, để nơi thoáng khoảng 1 ngày, rồi bạn cất vào lọ dùng dần.
2. Mứt gừng
Nguyên liệu:
- Gừng non
- Đường
- Chanh (dấm)
- Vani
Thực hiện:
- Gừng chọn củ non hoặc củ bánh tẻ cho đỡ xơ và cay (củ gừng bánh tẻ là củ không quá non mà cũng không quá già). Rửa sạch đất cát bám vào củ gừng, sau đó dùng dao cạo bỏ lớp vỏ.
- Dùng dao thái gừng thành những lát thật mỏng (hoặc dùng dụng cụ nạo vỏ hoa quả để nạo gừng thành những lát mỏng).
- Cho gừng vào nồi, đổ ngập nước, đặt nồi lên bếp đun sôi gừng trong vòng 2-3 phút. Sau đó chắt bỏ nước luộc gừng rồi lại cho nước mới vào luộc. Lặp đi lặp lại bước này khoảng 2 -3 lần hoặc hơn tùy vào việc bạn muốn miếng mứt gừng cay nhiều hay ít.
- Vắt vào nồi nước luộc gừng nước cốt của 1 quả chanh ở lần luộc cuối cùng để gừng được trắng hơn.
- Rửa gừng lại với nước 2-3 lần để loại bỏ vị chua của chanh. Sau đó đem ướp gừng với đường, cứ 1kg gừng thì dùng khoảng 500gr đường.
- Có thể để cho đường tan hoàn toàn rồi mới sên gừng thành mứt hoặc chỉ ướp gừng với đường khoảng 30 phút – 1 tiếng rồi sên luôn cũng được.
- Cho gừng và cả nước đường ướp gừng vào chảo (nếu ướp đường chưa tan hoàn toàn thì khi cho gừng và cả đường vào chảo nên cho thêm vào chảo chút xíu nước).
- Sên gừng ở mức lửa trung bình, thi thoảng đảo đều cho gừng thấm đường.
- Khi nước đường trong chảo đã cạn sền sệt thì hạ lửa thật nhỏ. Dùng đũa đảo đều liên tục cho đến khi đường kết tinh bám trắng vào gừng.
- Nhỏ vào chảo vài giọt vani, tiếp tục đảo thêm 1-2 phút nữa trên bếp.
- Sau đó nhấc chảo mứt gừng xuống, vẫn tiếp tục đảo trong khoảng 1 phút nữa cho mứt gừng khô hẳn.
- Đợi mứt gừng nguội hẳn, cất mứt gừng vào lọ thủy tinh hoặc túi nilon để bảo quản, dùng dần.
3. Cách làm mứt gừng dẻo
Nguyên liệu:
- 200gr gừng non
- 1/3 trái dứa (hay trái thơm)
- 150gr đường vàng
- 1 muỗng canh nước cốt chanh
Thực hiện:
- Gừng bào vỏ thái sợi. Dứa bỏ lõi thái hay băm nhỏ.
- Nấu 1 nồi nước cho vào 1/2 muỗng cà phê muối. Nước sôi cho gừng vào luộc 4 phút. Sau đó đổ gừng ra rổ xả qua nước lạnh thật sạch, để ráo.
- Gừng, đường, dứa cho hết vào nồi/ chảo không dính trộn đều. Để 1 tiếng cho đường tan.
- Bắc chảo gừng lên bếp sên với lửa vừa 10-15 phút.
- Sau đó hạ lửa thật nhỏ tiếp tục sên cho nước đường sánh lại. Khi thấy nước đường sánh lại bạn hãy cho nước cốt chanh vào và sên thêm 20 phút nữa cho đường kết dính như mạch nha là tắt bếp.
- Chờ mứt gừng dẻo nguội, cho vào hũ thủy tinh nhỏ bảo quản nơi thoáng mát.
4. Cách làm mứt cà rốt
Nguyên liệu:
- 1kg cà rốt loại củ lớn, da nhẵn, đỏ tươi
- 600g đường
- 3 bát nước vôi trong
- Bột Vanilla
Thực hiện:
- Cà rốt nạo sạch vỏ, thái miếng vuông hoặc hình bông hoa hơi dày một chút rồi ngâm nước vôi trong khoảng 2-3 giờ, sau đó rửa sạch.
- Chần cà rốt qua nước sôi, vớt ra để ráo.
- Ướp cà rốt với đường trong 2 giờ, đến khi đường tan thành nước.
- Bắc chảo lên bếp cho nóng già, cho hỗn hợp cà rốt và đường vào, đun nhỏ lửa, dùng đũa to đảo thật đều tay.
- Tới khi đường quyện lại, cho vanilla vào, đảo đều tới khi đường bám vào bề mặt miếng cà rốt tạo thành lớp bột màu trắng là được.
- Cho mứt cà rốt vào lọ kín hoặc bọc trong giấy bóng để bảo quản mứt và dùng dần.
Hy vọng với các cách làm mứt đơn giản trên đây sẽ được các mẹ, các chị áp dụng thành công và ngon để mùa tết đến, xuân về thêm ý nghĩa.