4 loại đặc sản ngon "nuốt lưỡi" khiến dân miền Tây trông đứng trông ngồi mùa nước nổi
Dân miền Tây "trông đứng trông ngồi" mùa nước nổi bởi không chỉ có những lợi ích mà con nước đỏ nặng phù sa mang lại, mà còn là những đặc sản được gọi tên từ lâu.
Dù là dùng để làm nên những bữa cơm đạm bạc trong khói lam chiều hay để chiêu đãi khách phương xa thì món cá linh non, bông điên điển, cua đồng... không thể nằm ngoài danh sách những món đặc sản mùa nước nổi.
Cua đồng mùa nước nổi.
Nói về ẩm thực thì bất cứ nơi đâu ở quê mình, địa phương nào cũng có những món ăn bình dân, dân dã và đặc sản của từng địa phương… ai đã lớn lên, hay đã từng sống, trải qua đều phải nhớ. Mấy hôm trước, vài người bạn tỉnh xa gửi tôi bức ảnh tô cá linh non kho kèm câu nói vui: “Phải giờ này ở An Giang là có ăn đã đời rồi!”.
Tôi cười khoe, tưởng gì khó chứ cá linh thì mời bạn về chơi ngay vì mùa này các chợ quê bán đầy. Đầu mùa nước, cá linh bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non.
Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cá linh non đầu mùa kho với nước dừa, mía có hương vị ngon tuyệt. Vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của dừa khiến món ăn trở nên khác biệt.
Bông điên điển - một trong những loại đặc sản được cho là "cực phẩm" ở miền Tây mùa nước nổi
Chỉ mỗi nguyên liệu cá linh thôi mà người miền Tây “biến tấu” biết bao nhiêu món ngon. Cá linh non thì kho lạt, bỏ thêm vài trái me chua, chấm với rau đồng thì lai rai cả buổi chiều mưa chứ chẳng đùa. Hay món cá linh non chiên bột ăn kèm rau sống, bánh tráng và chén mắm chua cay nồng cũng khiến người khó tính nhất xuyến xao.
Cá linh trọng hơn một chút thì có món cá linh nhúng giấm. Cá linh không cần đánh vảy, chỉ cần bỏ vào rổ chà nhẹ là được, sau đó bỏ ruột, ướp gia vị gồm: muối, đường, bột ngọt, tiêu và tỏi băm sẽ dậy mùi thơm. Giấm nấu phải là giấm nhà có vị chua thanh đặc biệt mới ngon.
Chèn ơi, con cá khoảng hơn ngón tay út ấy, được làm sạch mà mang đi nhúng giấm ăn kèm rau muống, cù nèo hoặc rau nhút thì quả thật chỉ có 2 từ “xuất sắc” để diễn tả. Con cá linh to bằng ngón tay thì ta lại có món canh chua bông điên điển, kèo nèo, so đũa, bông súng.
Còn nhớ, ba tôi mỗi lần được ăn món cá linh nấu canh chua là cứ “khen lấy khen để”. Nồi cơm gạo thơm nóng hổi vậy mà thoáng cái đã hết sạch với món canh đặc sản ấy.
Đã có món cá linh mà không nhắc đến bông điên điển thì thật là thiếu sót. Người miền Tây thường ví loài hoa nở rộ mùa nước nổi ấy là “mai vàng mùa nước nổi”.
“Điên điển vàng bịn rịn mùa hoa/ Xuồng ai đó lênh đênh đồng nước/ Nồi mắm kho thơm ngậy lòng ta/ Rượu ta uống chiều nay say khướt...”(Mùa bông điên điển). Vâng, ai đã từng thăm miền Tây một lần vào dịp mùa nước nổi hẳn sẽ không xa lạ với những hình ảnh vừa xuất hiện trong bài thơ trên.
Loài bông bình dị nhưng âm ỉ một sức sống mãnh liệt làm khắc khoải bao người com xa quê mỗi khi bắt gặp ở đâu đó chùm hoa mùa nước nổi quê mình. Dẫu bình dị nhưng bông điên điển mọc cặp bờ đê, trên những mé đồng nước nổi hàng năm lại mang đến nguồn thu nhập khá cho nhiều bà con ở quê.
Với vài chục ngàn đồng/kg, bông điên điển đồng trở thành “đặc sản” được săn đón nhiều vào mùa nước nổi. Mớ bông ấy mà nấu canh chua, xào tép đồng hay chỉ đơn giản là ăn sống thôi cũng đủ say lòng người rồi!
Canh cá linh nin bông điên điển.
Lại còn trái cà na mùa nước nổi, đặc sản này xếp nhất nhì danh sách món ăn yêu thích của trẻ con lẫn người lớn chứ chẳng đùa.
Ai từng lớn lên ở những vùng quê miền Tây thì hẳn sẽ thương lắm, yêu lắm hình ảnh trái cà na no tròn lủng lẳng oằn mình lấp ló mé sông quê. Món ngon từ loại trái quê này thì nhiều cách chế biến lắm. Từ cà na đập, cà na ngào đường, mứt cà na...
Nhưng nhanh nhất với bọn trẻ chính là cà na sống. Trái cà na vừa hái xuống chấm ngay với chén muối ớt má đâm cho thì ngất ngây luôn.
Mới đây thôi, tôi được bà chị bạn mời ăn cà na chín cây. Cầm trái cà na nhỏ mềm trên tay, tôi cứ nghĩ thầm: “Này là cà na dập chứ chín gì”.
Như hiểu được ý tôi, chị đon đả cười: “Cà na chín cây vậy đó, không phải bị dập đâu nghe. Chị hái từ trên cây xuống đó. Ăn đi, không hề chát hay chua đâu!”.
Tôi từ từ đưa trái cà na chín cây ấy vào miệng không quên chấm miếng muối ớt cay. Quả thật không hề chua, chát tý nào, thịt nó mềm nhũng ra là vậy nhưng không hề bị dập, vẫn còn vị thơm đặc trưng của trái cà na.
Vị cà na chín cây hòa quyện với vị mặn và cay nồng của muối ớt nhà làm khiến tôi ăn hết cả chục trái cà na lúc nào không hay. Ôi, cũng tự tin là tuổi thơ gắn bó với loại trái quê dân dã này lắm mà thật thiếu sót khi lần đầu tiên tôi mới biết ăn cà na chín cây là thế nào...
Thế đó, đặc sản mùa nước nổi còn nhiều lắm nhưng nào phải thức ăn ở đâu xa lạ, ấy mà làm say lòng biết bao thực khách xa gần. Mời bạn ghé thăm quê tôi một lần!
Nếu ai đã về miền Tây, chắc hẳn không quên hương vị rất riêng của món cháo cá lóc rau đắng của vùng sông nước nếu...
Nguồn: [Link nguồn]