3 món chè siêu ngon, siêu dễ làm
Nếu có thời gian rảnh, bạn hãy tranh thủ nấu thử 3 món chè dưới đây, đảm bảo cả nhà sẽ tấm tắc khen ngon, bạn lại không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị.
1. Cách nấu chè bưởi cực đơn giản
Món chè bưởi béo thơm với những cùi bưởi sần sật, dai giòn vừa ngon vừa dễ nấu.
Nguyên liệu:
- Bưởi: 1 quả
- Đường: 500g
- Bột năng: 100g
- Đậu xanh: 250g
- Nước cốt dừa: 1 hộp
- Tinh dầu bưởi: 1 thìa con
- Lá dứa
Cốc chè bưởi đạt chuẩn phải keo dính, miếng cùi bưởi dai giòn sần sật, chè thơm vị bưởi và bùi của đậu xanh
Cách làm:
- Bưởi mua về rửa sạch bên ngoài rồi gọt bỏ lớp vỏ xanh, lấy phần cùi xốp trắng bên trong, cắt hạt lựu rồi ngâm qua nước muối đậm đặc, bóp và xả kỹ bằng nước lạnh cho hết vị đắng và mặn. Bạn cũng có thể nấu nước sôi với phèn chua rồi cho cùi bưởi vào luộc, để nguội vắt khô cũng được. Cùi bưởi sau khi vắt khô mang trộn với đường, rồi sên trên chảo đến khi dẻo.
- Đậu xanh mang hấp chín trong chõ.
- Đặt nồi lên bếp, cho nước và lá dứa vào rồi đun sôi để lấy mùi thơm. Sau đó vớt lá dứa ra, cho đường vào đến độ ngọt vừa ăn.
- Pha bột năng với ít nước rồi rót từ từ vào nồi đến khi sánh sệt, thì cho cùi bưởi, đậu xanh đã hấp chín vào nồi, ninh nhỏ lửa 15 phút là được chè.
- Chè để nguội. Khi ăn, múc chè ra cốc, rót nước cốt dừa lên trên rồi cho thêm đá xay. Nếu thích có thể thêm lạc rang giã dối để có vị thơm của lạc.
2. Chè đậu đỏ thanh mát
Món chè đậu đỏ rất tốt cho sức khỏe, lại đẹp da cho chị em. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào thử ngay.
Nguyên liệu:
- Đậu đỏ: 200g
- Bột năng: 150g
- Đường phèn: 200g
- Nước cốt dừa: 100ml
Thực hiện:
- Khi nấu chè đậu đỏ, nên chọn đậu loại 1, to hạt và da căng.
- Ngâm đậu đỏ trong nước từ 1-2 giờ cho đậu mềm.
- Cho bột năng vào tô, thêm từ từ nước nóng vào, sau đó trộn đều, dùng tay nhào bột thành khối bột thật mịn. Tùy sở thích bạn có thể vo thành viên tròn cở ngón tay hay cắt sợi tùy thích.
- Cho đậu vào nồi, thêm nước vào nấu cho đậu mềm, bạn nên thử xem đậu mềm, đậu mềm thì cho những viên bột ( sợi bột) vào, vì bột đã được chín rồi nên không cần luộc, thấy bột nổi lên thì cho đường vào nấu chung. Cho thêm ít trần bì ( vỏ tắc, vỏ chanh…) nếu thích vào . Đợi sôi lại thì tắt bếp.. Đậy nắp lại.
- Cho nước cốt dừa vào nối nhỏ, nấu sôi, thêm ít nước bột năng vào cho nước cốt được sánh lại. Tắt bếp.
- Khi ăn múc chè ra chén, cho thêm ít nước cốt dừa lên, có thể thêm đá tùy thích.
Yêu cầu món ăn:
- Đậu chín mềm, nhưng không nát
- Nếu không thích trần bì bạn có thể không cho vào cũng không ảnh hưởng nhiều.
- Nước cốt dừa chỉ sử dụng trong thời gian ngắn 1-2 ngày khi được bảo quản tốt.
3. Chè nhãn lồng hạt sen
Món chè thanh mát, bổ dưỡng này lại rất dễ nấu, không khó như nhiều người tưởng đâu.
Nguyên liệu:
- 500g nhãn lồng hoặc nhãn Thái.
- 200g hạt sen khô hoặc tươi.
- 100g đường. Bạn có thể gia giảm đường theo khẩu vị.
Cách làm:
- Nhãn bóc hết vỏ. Dùng dao nhỏ, đầu nhọn, lách vào đỉnh của quả nhãn và nhẹ nhàng tách hột ra. Chú ý không làm rách nhãn để có thể cho hạt sen vào bên trong.
- Hạt sen rửa sạch.
- Hầm hạt sen với nước trong khoảng 30 phút, khi nào hạt sen chín mềm là được. Đối với hạt sen tươi, chỉ cần luộc qua trong khoảng 10 phút.
- Khi hạt sen nhừ, đổ đường vào nồi nước, tiếp tục đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút để hạt sen ngấm đường.
- Vớt hạt sen ra bát, để nồi nước đường sang một bên.
- Nhét từng hạt sen vào trong quả nhãn.
- Đun sôi lại nồi nước đường rồi cho nhãn đã lồng hạt sen vào đun trong khoảng 2 phút.
- Tắt bếp, để nguội rồi để nhãn lồng sen vào tủ lạnh. Có thể ăn mát hoặc cho thêm đá nếu thích.