2 phần thịt ngon,bổ,rẻ của con heo nhưng nhiều người không biết mà mua

Thịt heo là thực phẩm quen thuộc và phổ biến. Tuy nhiên có những bộ phận của con heo rất ngon, giá lại rẻ nhưng hiếm chị em nào biết chọn mua về chế biến.

Ở hầu hết các quốc gia châu Á, thịt heo (thịt lợn) là nguyên liệu nấu ăn thông dụng nhất. Lý do là bởi thịt heo rất dễ ăn và tần suất ăn nhiều nhưng không chán so với các loại thịt khác. Hơn nữa, loại thịt này rất dễ chế biến, có thể làm ra được nhiều món ăn như luộc, rang, chiên, nướng, kho, hầm... phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già.

Xét về mặt dinh dưỡng, thịt heo là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo, các vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Cụ thể, cứ 100g thịt lợn nấu chín chứa 297g calo, 26g chất đạm, 21g chất béo, không có chất xơ, đường, carbohydrates. Thịt lợn là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin B1, B3, B6, B12, sắt, kẽm, phốt pho, selen.

Vitamin B1 cần thiết cho một loạt các chức năng của cơ thể, hàm lượng B1 trong thịt lợn cao hơn các loại thịt đỏ khác như thịt bò và cừu. Vitamin B6 và B12 tốt cho sự hình thành tế bào máu và chức năng của não.

Theo Webmd, thịt lợn còn là nguồn cung cấp sắt được hệ tiêu hóa của con người hấp thụ rất dễ dàng. Selen hỗ trợ chức năng tuyến giáp. 170g thịt lợn có đủ lượng selen khuyến nghị hằng ngày.

Theo nghiên cứu, protein chất lượng cao trong thịt lợn là các axit amin hoàn chỉnh, giúp tạo cơ bắp mới. Khi già đi, chúng ta mất khối lượng cơ, điều này có thể dẫn đến các tình trạng như thiểu cơ - thoái hóa cơ nghiêm trọng. Hấp thụ protein có trong thịt lợn có thể làm chậm hoặc đảo ngược tình trạng thiểu cơ. Thói quen ăn uống này có khả năng duy trì các mô cơ khỏe mạnh mà bạn đang có.

Thịt lợn cũng chứa axit amin beta-alanine, giúp cơ thể bạn hình thành hợp chất carnosine rất quan trọng đối với cơ bắp. Các nghiên cứu đã chỉ ra bổ sung beta-alanine liều cao được thực hiện trong 4-10 tuần dẫn đến mức tăng 40-80% lượng carnosine trong cơ bắp của một người. Hàm lượng carnosine cao có liên quan đến giảm mệt mỏi và hiệu suất cơ bắp cao hơn.

Dù là thực phẩm quen thuộc nhưng ở con heo có 2 bộ phận rất ngon, giá thành lại rẻ nhưng nhiều người không biết để mua và chế biến.

Thịt má heo

2 phần thịt ngon,bổ,rẻ của con heo nhưng nhiều người không biết mà mua - 1

Má heo là phần thịt nằm ở phần đầu của con heo, được lọc từ thịt thủ, bỏ cả phần tai heo. Má heo có đặc điểm là ít thịt, chủ yếu lớp da bên ngoài khá dày và cứng cùng với xương hàm. Tuy vậy, má heo được đánh giá là bộ phận cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa thịt má heo khi ăn giòn béo, có phần da dày kèm mỡ cứng nhưng không ngấy như các phần thịt mỡ heo khác.

Thịt má heo có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, rán hay ướp tiêu tỏi nướng giấy bạc đều rất hấp dẫn. Dưới đây là cách làm má heo xào xả ớt các bạn có thể tham khảo:

Nguyên liệu:

-300gr thịt má heo

-Nước mắm, đường trắng, hạt nêm, muối, sa tế, tương ớt, dấm

-Sả, hành tím, tỏi, ớt, gừng

Cách chế biến:

2 phần thịt ngon,bổ,rẻ của con heo nhưng nhiều người không biết mà mua - 2

- Má heo rửa sạch với dấm và chà xát với muối trong 5 phút sau đó rửa sạch lại với nước. Gừng, hành tím gọt vỏ, thái lát. Xả đập dập, cắt khúc. Bỏ tất cả vào nồi, luộc trong vòng 20 phút. Khi má heo đã chín, bỏ vào thau nước đá ngâm 5 phút rồi lấy ra thái mỏng.

- Sả, tỏi, ớt băm nhuyễn.

-Đổ nước mắm vào bát sau đó cho thêm đường, hạt nêm, sa tế, tương ớt vào sao cho vừa miệng. Nếu muốn ăn cay thì cho thêm ớt bột.

- Cho dầu vào chảo rồi bắc lên bếp, đợi dầu nóng cho hỗn hợp sả băm vào xào cho thơm. Sau đó cho phần má heo đã cắt vào xào cùng cho phần má heo săn lại. Cho chén nước sốt vào. Nêm nếm cho vừa miệng để 5 phút rồi tắt bếp, bày ra đĩa là có thể thưởng thức.

Đuôi heo

2 phần thịt ngon,bổ,rẻ của con heo nhưng nhiều người không biết mà mua - 3

Đuôi heo là phần cuối cùng của con heo, chế biến không cẩn thận có thể bị hôi nên nhiều người không hứng thú với nguyên liệu này nhưng thực chất đuôi heo rất bổ dưỡng. Đuôi của heo chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, sắt,...

Chất protein của đuôi động vật, chủ yếu là ở da, gồm nhiều chất hợp thành như: Collagen, elastin, keratin, albumin, globulin… Các chất này có tác dụng liên kết chặt chẽ cấu trúc của tế bào, tăng cường sự hấp thụ oxy của da, giữ độ ẩm và làm tăng tính đàn hồi, chống lão hóa da, bảo vệ làn da trước sự tấn công của các yếu tố bất lợi của môi trường.

Trong phương pháp thực trị của đông y, đuôi heo thường được dùng dưới dạng ninh nhừ cùng với một số dược liệu có tác dụng bổ thận, ích tinh, kiện cường gân cốt, kiện tỳ vị, thông khí hoạt huyết.

Các bạn có thể làm đuôi heo chiên giòn theo công thức sau:

Nguyên liệu:

- 300 gr đuôi heo

- 1 cây sả đập dập

- 1 củ gừng cắt lát

- 1 quả ớt

- 2 muỗng cà phê đường

- 30 ml nước cốt chanh

- 2,5 muỗng cà phê muối

- 200 ml dầu ăn

Cách chế biến:

2 phần thịt ngon,bổ,rẻ của con heo nhưng nhiều người không biết mà mua - 4

- Đuôi heo cạo sạch lông, rửa sạch với nước muối, để ráo, cắt thành nhiều khúc nhỏ vừa ăn.

- Bắc lên bếp 1 nồi nước, khi nước sôi cho vào 300gr đuôi heo, 1 cây sả đập dập, 1 củ gừng nhỏ cắt lát. Luộc đuôi heo từ 20 - 25 phút đến khi thịt chín đều.

- Vớt đuôi heo ra để ráo nước, dùng tăm nhọn xăm đều trên bề mặt. Bước này giúp da heo thấm đều gia vị, chiên sẽ giòn hơn.

- Cho vào tô phần đuôi heo đã sơ chế, 1/2 muỗng cà phê muối, 15ml nước cốt chanh, trộn đều. Bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và ướp 30 phút.

- Làm muối chấm: Cho vào bát 1 quả ớt, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê muối. Dùng chày giã nát hỗn hợp. Tiếp theo cho vào khoảng 15ml nước cốt chanh, khuấy đều.

- Chuẩn bị 1 chảo dầu nóng, cho đuôi heo vào chiên trên lửa nhỏ đến khi chín vàng giòn. Đuôi heo sau khi chiên có lớp da giòn rụm, bùi bùi, beo béo, chấm cùng muối ớt cay mặn, chua ngọt thì vô cùng tuyệt vời.

Nguồn: [Link nguồn]

Những bộ phận “cực độc“ của gà, nhiều người không biết tưởng bổ

Giá trị dinh dưỡng của thịt gà đúng là miễn chê nhưng không phải tất cả những bộ phận của gà đều “bổ” dưỡng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa ([Tên nguồn])
Ẩm thực, nhà hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN