Xót xa chuyện "cụ bà"… 30 tuổi
Dù mới 30 tuổi nhưng mang đủ thứ bệnh trong người, nhìn Như Ý chẳng khác gì một cụ bà 70 tuổi.
Tôi gặp Nguyễn Thị Như Ý (30 tuổi, ngụ thôn Na Kham, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vào một chiều cuối tháng 6 nắng như đổ lửa.
Cởi chiếc khăn che mặt, Ý nói: “Sao ai cũng sợ em hết rứa? Em mới 30 mà ai nhìn cũng nói giống như cụ bà. Em 26 kg chứ không phải 25 kg như báo nói mô”.
Cuộc đời không như tên gọi
Như Ý mang cái tên đầy viên mãn nhưng nhìn lại cuộc đời vẫn còn rất trẻ, cô thấy mình sống mà như đã chết. Tuần nào Ý cũng phải đến bệnh viện (BV) rất nhiều lần, lấy cả đống thuốc rồi truyền nước, truyền máu. Liên tục từ BV địa phương đến BV Huế, Đà Nẵng, rồi TP.HCM. Khuôn mặt già nua hằn từng nếp khắc khổ lâu ngày, từng câu nói thoát ra khỏi miệng một cách đau đớn.
14 tuổi, cái tuổi mà ai cũng khỏe, cũng vui thì Ý đột ngột lâm bệnh. Đầu tiên là bị ói mửa liên tục, ăn gì vào cũng ói. Chẳng bao lâu Ý xuống sức trầm trọng, cả nhà đưa đi BV thì mới biết cô mắc bệnh rối loạn nội tiết.
Đang nói chuyện, chợt Ý bước lại phía bàn thờ lôi ra một bọc thuốc to. Lấy ra từng gói, cô nói thuốc này trị loét dạ dày, thuốc này trị khớp, rối loạn sinh dục, thuốc loét thực quản, thuốc suy thận, thuốc thiếu máu…, toàn thân không bộ phận nào còn khỏe. Mười mấy năm là mười mấy thứ bệnh trong người. Ý không dám đến BV vì sợ tốn tiền, chỉ mua thuốc uống. Riêng bệnh thiếu máu bắt buộc phải đi truyền máu mỗi tuần chứ không là… chết.
Người mẹ già chăm cho Ý và mong con được khỏi bệnh. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Đào cả móng nhà để cứu con
Ngồi bên con gái, bà Tám đã 80 tuổi mà nhìn chẳng già hơn Như Ý là mấy. Nét mặt buồn thiu, bà nói khi đặt tên mong đời con may mắn nhưng giờ chỉ cần con bình thường mà thôi. “Lúc chưa bệnh, nó học giỏi lắm. Đùng một cái, bệnh ở đâu rơi xuống khiến cả nhà điêu đứng” - bà đau xót.
Bà Tám kể Như Ý ăn rất nhiều, có ngày cả năm lon gạo. “Người ta nói nó ăn như trâu mà răng vẫn ốm nhách? Họ có biết đâu cứ ăn vào là bị trào ngược ra, không còn lại được gì trong người. Mà không ăn thì lại bủn rủn tay chân. Mười mấy năm ăn nhiều, uống nhiều và… bệnh nhiều” - vừa đưa thuốc cho con bà vừa nói.
Thương con nhưng vợ chồng bà chẳng có cái gì ngoài cái nghèo và già yếu. Mười mấy năm vay tiền chữa bệnh, con số nợ đã lên tới 40 triệu đồng mà đến giờ vẫn nợ. Bà từng cầu mong phép màu nhưng con bệnh quá lâu rồi, bà chẳng còn mong nữa. Làm được gì ông bà cũng làm hết rồi, giờ chẳng biết làm gì nữa.
“Thương con rồi mù quáng. Có bận nghe thầy bói nói dưới nền nhà có xác người nên con mới bị thế. Tôi về vay mượn cả chục triệu đồng, đào khắp nhà, quật cả móng lên nhưng có thấy gì đâu. Thấy con đau quá, ai nói gì tôi cũng nghe nhưng rồi vẫn không được cái chi hết” - bà Tám kể.
Bây giờ thỉnh thoảng những lúc khỏe, Như Ý ra Đà Nẵng lấy vé số về để bán kiếm ít đồng phụ giúp cha mẹ. Cô không còn mong được chữa hết bệnh nữa bởi một “cụ bà” mà gia đình quá nghèo, cả ổ bệnh trên người làm sao dám ao ước phép màu ấy nữa.
“Em đi bán vé số, nhiều người thương nên cho tiền thêm để em ăn uống. Chỉ mong đừng làm khổ cha mẹ như mười mấy năm qua là được rồi. BV vẫn kêu ra để khám nhưng em không đi nữa, sống được ngày nào hay ngày đó…” - Ý nói.
Thuốc là bạn đồng hành hằng ngày với Ý. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Bạn đọc giúp đỡ chị Nguyễn Thị Như Ý vui lòng gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp chị Nguyễn Thị Như Ý”).
Không chỉ trẻ hơn vài chục tuổi, chị Ngọc Mai hôm nay còn tỏ ra rất “sành điệu”.