Vụ ngộ độc 8 người chết ở Lai Châu: Thêm một nạn nhân nguy kịch
Hiện có một người đàn ông 60 tuổi đang nguy kịch do uống rượu có chứa methanol vượt ngưỡng cho phép.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại bệnh viện
Lai Châu phát hiện thêm nhiều xã lân cận nhà ông Phù Văn Lèng, Ma Ly Chải, Phong Thổ cũng có người dân mua và sử dụng rượu cùng nguồn gốc và ngộ độc.
Trao đổi với phóng viên chiều 20/2, ông Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 128 người đến khám và nhập viện sau vụ ngộ độc ở Lai Châu. Nhiều người khi thấy có biểu hiện của ngộ độc đã đến các cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi.
Trong số những người đến khám có cả bệnh nhân từng mua rượu tại cửa hàng đã bán cho gia đình ông Phù Văn Lèng, nơi mời nhiều người đến nhà ăn cơm uống rượu và bị ngộ độc.
Riêng ngày 18/2 đã có hơn 60 người sử dụng rượu có chung nguồn gốc mua tại xã Sì Lở Lầu, sau khi khám sàng lọc tại y tế cơ sở đã về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu để kiểm tra.
Đặc biệt, hiện có một người đàn ông 60 tuổi đang nguy kịch do uống rượu có chứa methanol vượt ngưỡng cho phép sau khi ăn cỗ đám ma nhà ông Phù Văn Lèng.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, đến thời điểm này, nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc vẫn là do uống rượu có chứa methanol vượt ngưỡng cho phép.
Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phù Văn Lèng (SN 1957 ở bản Tả Chải) mời nhiều người đến nhà ăn cơm uống rượu. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong.
Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình đã tổ chức hậu sự và mời dân bản đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục của địa phương. Liên tiếp các ngày sau, nhiều người trong số trên có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử.
Theo lời khai của các nhân chứng, các nạn nhân có uống rượu (mua tại xã Sì Lờ Lầu) và ăn kẹo lạc tại đám ma. Sau đó, nhiều người có dấu hiệu ngộ độc và tử vong.
Về phía Ngành y tế Lai Châu hiện cũng đã tăng cường nhân lực, vật lực nhằm kịp thời cứu chữa cho các nạn nhân một cách tốt nhất. Tuy nhiên theo lãnh đạo ngành này, do có nhiều nạn nhân phải chạy thận, lọc máu theo phác đồ điều trị trong khi số máy móc thiếu thốn nên việc cứu chữa cũng gặp nhiều khó khăn.