Vì sao thịt chó lại được coi là món ăn “giải đen”?
Chó là con vật trung thành, yêu thương chủ. Tuy vậy, nhiều người thường "giải đen" bằng cách ăn thịt chó.
Ở góc độ khoa học, nói ăn thịt sẽ đen là không có cơ sở.
Năm 2018 là năm Mậu Tuất (tức năm con chó). Theo quan điểm truyền thống xưa nay, Tuất (con chó) mặc dù đứng gần cuối cùng trong hàng 12 con giáp nhưng con chó rất được coi trọng, là con vật trung thành, yêu thương chủ. Tuy vậy, nhiều người thường "giải đen" bằng cách ăn thịt chó.
Thói hư tật xấu dồn hết cho “con chó”
Trao đổi với PV, TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, con chó là loại vật nuôi trong gia đình mà không một gia đình hay một ông thầy nào cúng. Bởi lẽ, theo quan niệm dân gian để lại, người ta nghĩ rằng cúng chó chỉ mang về đen đủi, xui xẻo.
Trong tín ngưỡng dân gian, con chó tượng trưng cho ban tối, cho tầng dưới, cho sự chết chóc. Vì vậy, chó không thể được tôn thờ.
Ngoài ra, chó là loài vật ăn bẩn, vì thế, không dùng thịt chó để cúng tế, cả trong cúng trừ ma tà. Nói đến chó là nói đến một điều xúi quẩy, vì thế, người ta cũng phải đợi gần cuối tháng, hay ít nhất là qua ngày rằm mới dám dùng thịt chó, và khi gặp vận hạn, người ta thường "giải đen" bằng ăn thịt chó.
Đặc biệt, bị người Việt coi là "biểu tượng" của những gì xấu xa, những thói hư được dồn hết cho loài vật này. Khi tức nhau, người ta lấy chó ra để nguyền rủa là "đồ chó", “ghét như chó”, “dốt như chó”….
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian
Tuy nhiên, theo TS.Trần Hữu Sơn, ở góc độ khoa học nói ăn thịt chó là đen thì không có cơ sở.
“Quan điểm của tôi, không đen, không đỏ. Với tư duy mới, chó là loài vật trung thành thì không nên ăn”, ông Sơn nói.
Chó là bạn, là người thân của con người?
Ông Lê Đức Chính, từng là Điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á cho biết, từ xưa, chó đã được nuôi dưỡng không phải để làm thức ăn cho con người.
“Chó không chỉ là loài vật trung thành mà còn như người bạn, người thân của mọi gia đình. Chó rất cần được yêu thương và đối xử tốt”, ông Chính nói.
Tuy nhiên, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam lại không đồng tình quan niệm chó là “người bạn thân thiết". Bởi “thân thiết” hay không là ở mỗi cộng đồng, con người cảm thấy. Không phải ở châu Âu coi chó là bạn, Việt Nam cũng phải coi là bạn.
GS Thịnh liên hệ với “lễ hội dã man”, đâm trâu, chém lợn ở nước ta. Theo ông Thịnh, “lễ hội dã man” là cách người bên ngoài gọi. Bản thân người trong cuộc không coi đâm trâu, chém lợn là dã man.
“Những động vật được con người thuần hóa từ chỗ hoang dã làm thức ăn, trong đó cũng có mỗi quan hệ tạm gọi là có tình cảm nhưng không phải giống như con người với con người”, GS Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, chúng ta vẫn ăn thịt chó bình thường, không quan trọng người nước ngoài nghĩ thế nào. Chúng ta phải chấp nhận bản sắc, sự khác biệt văn hóa.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, chó là một con vật nuôi đặc biệt trong gia đình người Việt. Một con vật có tình, có nghĩa với con người và cũng là vật nuôi được con người giành nhiều tình cảm nhất. Vì vậy, mọi người không nên ăn thịt con vật gần gũi với con người như người bạn trong dịp đầu năm.
“Nên ăn hay không nên ăn thịt chó là tuỳ thuộc vào ý thích và quan niệm của từng người nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi mong muốn mọi người đang có sở thích ăn thịt chó hãy suy nghĩ lại thấu đáo. Ở góc độ thuần phong mỹ tục, đầu năm ăn thịt chó rất phản cảm. Chỉ vì thèm khát món thịt chó cho thỏa mãn cái miệng mà đầu năm giết một con vật trung thành, tình cảm, gần gũi với con người là tội ác”, ông Hiển nói.
Thôn Yên Trường coi việc ăn thịt chó đầu năm sẽ mang lại may mắn cho cả năm.