Vì sao dân không sử dụng đường vẫn phải đóng phí?

Bên lề Hội nghị đánh giá đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT đã đưa ra giải thích tại sao vẫn có những tuyến đường BOT dù người dân không sử dụng nhưng vẫn phải đóng phí.

Vì sao dân không sử dụng đường vẫn phải đóng phí? - 1

Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT

Có ý kiến cho rằng các trạm BOT dày đặc như hiện nay khiến ở một số khu vực người dân không còn lựa chọn đi đường không mất phí, vậy khi tiếp tục đầu tư các dự án BOT, liệu người dân có còn được đi đường miễn phí không?

Việc đầu tư các dự án BOT trong thời gian tới sẽ phải lựa chọn để đảm bảo hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp để tránh tăng chi phí vận tải.

Như tôi đã nói, chúng ta sẽ đầu tư vào các tuyến cao tốc là chủ yếu, còn những tuyến không phải là cao tốc người dân sẽ không phải đóng phí hoặc đóng phí thấp hơn. Nếu người dân, doanh nghiệp không muốn đi vào tuyến cao tốc thì có thể đi vào tuyến đường còn lại. Như vậy có sự công bằng hơn.

Đồng thời, sẽ tập trung vào công nghệ mới để giảm suất đầu tư xuống, giảm mức phí và thời gian thu phí ngắn hơn.

Còn một điều vô lý nữa là tại sao cho đến nay vẫn có những tuyến đường dù người dân không đi qua nhưng vẫn phải đóng tiền, thưa ông?

Theo kết quả rà soát các trạm thu phí trên địa bàn toàn quốc, về cơ bản các trạm đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, do lịch sử để lại có một số trạm chúng ta đặt để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường khác, hiện thời gian thu phí không còn nhiều.

Đúng là hiện vẫn có một số dự án xảy ra hiện tượng như đã nêu, nguyên nhân là khi chúng ta xây dựng hầm hay cầu về cơ bản phải đặt trạm thu phí tại đó. Tuy nhiên nếu đặt trạm thu phí tại đó sẽ rất gần các trạm thu phí đã xây dựng trước nên phải dời ra. Như trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia đặt ở phía nam đèo Hải Vân, trong thời gian sắp tới khi hoàn thành hầm đường bộ Hải Vân 2, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà đầu tư tích hợp để chỉ sử dụng 1 trạm thu phí cho cả 2 dự án.

Vì sao dân không sử dụng đường vẫn phải đóng phí? - 2

Có những tuyến đường BOT dù người dân không sử dụng nhưng vẫn phải đóng phí. Ảnh: Người lao động

Theo ông, tại sao những tuyến đường được nâng cấp, mở rộng hay đầu từ mới theo hình thức BOT nhưng lại khiến người dân bức xúc?

Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT chúng tôi đều thực hiện theo quy trình từ lập dự án đầu tư, ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý dự án. Bộ GTVT là cơ quan đề xuất thực hiện dự án, trên cơ sở đó nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư. Trong quá trình thực hiện dự án các cơ quan chức năng đã đánh giá đến tác động môi trường xã hội đầy đủ.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua Bộ GTVT nhận thấy việc tuyên truyền thông tin về các dự án chưa được đầy đủ. Đồng thời, số lượng dự án BOT trong những năm qua là tương đối lớn nên có tác động đến xã hội, đến doanh nghiệp, người dân.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ các dự án BOT, Bộ GTVT đề xuất những giải pháp gì thưa ông?

Vừa qua chúng tôi đã trình Chính phủ đề án tổng thể về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và BOT. Theo đó sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam; nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau.

Cuối cùng, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ và Bộ KHĐT có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn trong thực hiện các dự án BOT. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư dự án BOT với mức phí và thời gian hoàn vốn hợp lý hơn.

Thưa ông, sau chỉ đạo của Chính phủ các nhà đầu tư BOT có được phép tăng phí theo lộ trình hay không?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp đến thời điểm tăng phí theo lộ trình như nhà đầu tư tuyến Hà Nội – Hòa Bình, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hay QL21 đoạn qua Nam Định đều phải tạm dừng lại hết. Như trạm thu phí Mỹ Lộc (Nam Định) đã được yêu cầu áp dụng lại mức phí trước ngày 1.6 chưa được tăng phí. Trước mắt là tạm dừng tăng phí cho đến hết năm nay.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN