Ứng phó bão Tembin "cấp thảm họa", TP.HCM có thể phải di dời 5.000 dân
Huyện Cần Giờ, TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức di dời hàng ngàn hộ dân ở khu vực xã đảo và những hộ ven sông, ven kênh có nguy cơ sạt lở cao trước khi cơn bão số 16 đổ bộ.
Hướng đi của bão số 16-Tembin (ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV TƯ)
Chiều 23/12, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết hiện công tác ứng phó với bão số 16-Tembin đang được các đơn vị của huyện triển khai. Lực lượng ứng phó túc trực 24/24 sẵn sàng di dời dân ở khu vực xã đảo Thạnh An và những vị trí ven kênh, rạch đến nơi an toàn. Nhiều nhà cửa, lồng bè của các hộ dân cũng đã được gia cố.
“Chúng tôi đã cấm biển trong ngày hôm nay. Kêu gọi và cùng người dân gia cố lại nhà cửa, lồng bè. Tùy vào tình hình thực tế mà chúng tôi di dời dân đến những nơi an toàn như trụ sở xã, trường học. Địa phương sẽ không để người dân nào ở lại trong vùng nguy hiểm nếu bão vào” ông Dũng nói.
Theo ông Dũng tất cả các nhu yếu phẩm phục vụ cho bà con nếu bão đổ bộ vào đã được địa phương chuẩn bị sẵn.
Cùng diễn biến liên quan đến vụ việc, trong buổi họp khẩn ứng phó với bão số 16 –Tembin vào sáng nay, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết hiện nay Cần Giờ đã lên danh sách gần 5.000 dân để di dời, trong đó dự kiến xã đảo Thạnh An có khoảng 2.000 người.
UBND TP yêu cầu UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có lệnh, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật. Quá trình di dời dân phải an toàn tuyệt đối; tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực di dời dân; tổ chức chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư tránh bão.
Ngoài huyện Cần Giờ, những khu vực có nguy cơ sạt lở cao khác như huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2…cũng cần tồ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời đến các địa điểm tạm cư kiên cố.
Ông Hoàng Đức Cường - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhiều khả năng đêm 25, sáng 26/12, bão Tembin sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, phạm vi ảnh hưởng được cảnh báo từ Nam Bình Thuận đến Cà Mau.
Trường hợp bão vào bờ vẫn còn gió mạnh cấp 10-11 thì cấp độ rủi ro thiên tai cho khu vực bão ảnh hưởng là cấp 4 - rủi ro lớn. Trường hợp gió mạnh cấp 12 thì khu vực Nam Bộ chịu cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa.
Hồi 13h hôm nay (23/12), vị trí tâm bão Tembin cách đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 -11 (tức 90 - 115km/h), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (tức 20 - 25km/h) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippines) và đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa -Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 250 - 350km về phía Đông. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h). |
Cơ quan khí tượng nhận định, tháng 12, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn có nguy cơ xuất hiện và ảnh hưởng đến đất...