Tuyệt đỉnh công phu: Làm mạch... ngừng đập
Các võ sư điều chỉnh hệ tim mạch khiến mạch trên toàn cơ thể ngừng đập. Lúc này, dùng thiết bị hiện đại cũng không đo được huyết áp.
Video: Các võ sư Thiên Môn Đạo điều chỉnh làm hệ mạch ngừng đập:
Các võ sư môn phái Thiên Môn Đạo ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có thể điều chỉnh khiến toàn bộ các mạch trên cơ thể ngừng đập. Đây có thể được coi là đỉnh cao công phu, đòi hỏi sự kiên trì luyện tập.
Ông Nguyễn Khắc Phấn – Chủ tịch Hội võ Thiên Môn Đạo TP Hà Nội, sư phụ của môn phái, hậu duệ đời thứ 5 trong gia tộc Nguyễn Khắc cho biết để trở thành võ sĩ cao cấp buộc họ phải làm chủ được hệ thần kinh, khai mở huyệt đạo, điều chỉnh được tĩnh mạch, khai mở trí tuệ.
Tùy theo thể trạng từng người, có người làm hệ tim mạch ngừng đập vài phút, có người lâu hơn.
Trong ngày thi lên võ sư cao cấp, ông Nguyễn Khắc Phấn mời một bác sĩ chuyên về tim mạch và một người trong khách mời làm chứng các võ sư biểu diễn mạch ngừng đập.
Võ sư Trương Tiến Hợp cho biết, khí công là làm chủ được hệ thần kinh, hệ tim mạch và làm chủ theo ý của mình và mục đích lớn nhất là nâng cao sức khỏe, trí tuệ minh mẫn.
Võ sư có thể điều khiển được hệ tĩnh mạch làm cho mạch ngừng đập. Đây có thể được coi là đỉnh cao, tuyệt đỉnh công phu.
Để điều chỉnh được hệ tĩnh mạch ngừng đập, các võ sư của môn phái Thiên Môn Đạo phải trải qua quá trình tu luyện gian khổ, ít nhất 5 năm mới có thể làm được.
Bác sĩ dùng máy đo huyết áp hiện đại nhưng vẫn không đo được mạch.
Nếu là người bình thường, khi áp máy đo huyết áp vào tay, máy sẽ chạy đến một chỉ số nhất định, dừng trên màn hình. Nhưng khi đưa máy vào thử đối với các võ sư, máy chạy liên tục, không dừng lại hoặc báo lỗi chứng tỏ không đo được mạch của con người. Có võ sư đo hai lần nhưng vẫn không được.
Thiên Môn Đạo là một môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam, ra đời ở xã Hòa Nam (Ứng Hòa, Hà Nội). Người khai sinh đặt nền móng cho tinh hoa võ học Thiên Môn Đạo là kỵ tổ Nguyễn Khắc Cống. Ông là một võ quan tham gia chống giặc ngoại xâm vào thế kỷ 18. Sau khi tham gia chống giặc ngoại xâm, về quê, ông Nguyễn Khắc Cống vừa dạy học, vừa tham gia công việc võ hội trong vùng và được quan phủ thời đó trao trọng trách toàn quyền chỉ huy các võ hội trong vùng. |