Tương lai mờ mịt của bé gái từng bị mẹ cắt gân chân

Sự kiện: Thời sự

Người mẹ này từng khiến dư luận phẫn nộ khi dùng dao cắt gân chân đứa con nhỏ 3 tuổi với lý do để bé... bớt nghịch.

Sau thời gian tù tội, người mẹ trở về, không dám mong sự cảm thông, chia sẻ của xã hội, chỉ mong có cơ hội để bù đắp vì những gì đã gây ra cho con...

Gia đình không mái ấm

Đã 9 năm kể từ ngày xảy ra vụ việc, người dân ấp Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước vẫn chưa hết chua xót mỗi khi nhắc lại vụ việc đau lòng.

Khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1975, ngụ Đức Hạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) mang thai và sinh bé Nguyễn Thị H. (SN 2004), thì chồng là ông Nguyễn Văn Tước (SN 1964) đi làm ăn xa nên không hề hay biết về sự hiện diện của bé.

Lúc trở về, ông Tước bất ngờ trước sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình. Bởi thế, ông luôn nghi ngờ lai lịch của H..

Khi bé 6 tháng tuổi, phần vì do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần vì muốn gia đình êm ấm, vợ chồng bà Mỳ đã đưa bé H. cho một đôi vợ chồng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận làm con nuôi. Nhưng sau đó vì nhiều lý do, cha mẹ nuôi lại “trả” H. về với cha mẹ ruột.

Tương lai mờ mịt của bé gái từng bị mẹ cắt gân chân - 1

Chân tay bé H. toàn sẹo.

Vào đầu tháng 9/2008, một người hàng xóm đang làm tại rẫy cao su bất ngờ gặp mưa nên ghé vào nhà bà Mỳ xin trú tạm. Trong lúc ngồi chờ mưa tạnh, người đàn ông này thấy bé H. sốt cao, máu dưới gót chân vẫn đang chảy, còn người thì chi chít những vết thương nhưng cha mẹ bé thì vẫn “bình chân như vại”. Phẫn nộ vì sự vô tâm này, ông đã lên chính quyền xã trình báo sự việc.

Tại cơ quan điều tra, bà Mỳ khai nhận, ngày 13/9/2008, lúc chuẩn bị đi làm, thấy bé H. đang cầm kéo cắt tờ tiền 100.000 đồng, bà tức giận quay vào giật kéo và cắt vào ngón tay H. để phạt con.

Tiếp đó, vào ngày 15/9/2008, khi bé nghịch trèo cây ngã, người mẹ này nhẫn tâm dùng dao cắt vào gót chân con để bé... “bớt” nghịch. Những người hàng xóm cũng “tố”, bà Mỳ thường xuyên trói H. và những người con khác vào gốc cây để đánh đòn.

Sau khi điều tra, xem xét, Công an huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước xác định, bà Nguyễn Thị Mỳ là người gây ra thương tích vĩnh viễn 40% cho bé H.. Với hành vi phạm tội đó, bà bị kết án 24 tháng tù giam và tước quyền nuôi con trong 5 năm.

Sau đó, sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã chuyển bé H. đến trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh. Bà Mỳ trong thời gian ở tù đã nhận ra sai lầm và mong muốn được bù đắp cho con. Gần 7 năm sau khi mãn hạn tù, người mẹ này đã làm đơn yêu cầu được đưa cháu H. về nhà chăm sóc và được các cấp chính quyền chấp nhận. Dù thế không ít người dân phản đối quyết định này.

“Tôi không dám mong sự cảm thông, chia sẻ của xã hội bởi tôi cũng hổ thẹn với chính bản thân mình vì những gì đã gây ra cho con. Vì sai lầm của mình, tôi đã bị pháp luật nghiêm trị. Nhiều người cho rằng, tôi xin nhận lại con vì khoản tiền hàng trăm triệu đồng các nhà hảo tâm đã giúp bé, nhưng vợ chồng tôi không tơ tưởng đến chuyện đó. H. là đứa con tôi mang nặng đẻ đau, tôi chỉ muốn bù đắp lại cho con sau tất cả những gì tôi gây ra...”, bà Mỳ chia sẻ.

Theo chia sẻ của bà con địa phương, từ ngày trở về, vì mặc cảm với quá khứ nên vợ chồng bà Mỳ sống khá khép kín. Do vậy, những người hàng xóm và chính quyền địa phương thường xuyên tới thăm hỏi, động viên giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

“Vợ chồng chị Mỳ đã biết hối hận với những việc gây ra cho con rồi, nhìn thấy bé H. sống vui bên cha mẹ và anh chị em của nó mọi người ai nấy cũng mừng”, một người cùng xóm nhận định.

Hy vọng vào người đời...

Ghé thăm gia đình bà Mỳ vào những ngày cuối tháng Năm, trong căn nhà tuềnh toàng, bé H. lặng lẽ nép sau lưng mẹ nhìn những vị khách lạ.

Như muốn lý giải hành động lạ thường của con gái, bà Mỳ nói: “Năm nay nó đã 13 tuổi nhưng tư duy chỉ như đứa trẻ lên 7, nghịch ngợm khờ dại, người chi chít sẹo tự nó gây ra chứ có ai đánh nó đâu. Nó lớn thế này rồi nhưng chẳng biết làm gì, đến việc tắm giặt cũng phải nhờ cha mẹ”.

Bà Mỳ cho hay, bà có tất thảy 6 người con, trong đó cháu H. là con thứ 5. Thời kỳ mang thai, sinh nở của bà Mỳ cũng diễn ra bình thường như bao người phụ nữ khác nhưng không biết tại sao H. và 3 anh chị lớn của mình khi sinh ra đều mắc bệnh “trí não chậm phát triển”. Chỉ có cháu K. (con trai thứ 4) và cháu T. người con gái út là phát triển bình thường.

Thời gian gần đây, nhận thấy bản thân gia đình cũng không thể tự dạy được bé, vợ chồng bà Mỳ đang dự tính sẽ đưa bé H. và 3 người anh chị của mình (cùng mắc bệnh tâm thần nhẹ) vào Đắk Lắk để học tập.

“Dù thương và muốn được tự tay chăm sóc bé H. cũng như anh chị của nó nhưng chúng đều mắc bệnh tâm thần nên người mẹ bình thường như tôi không tự dạy được. Giờ gia đình chỉ chờ lo xong giấy tờ thủ tục là cho các cháu tới nhà Dòng để học tập, mong ở đó các cháu sẽ phát triển tốt hơn”, bà Mỳ ngậm ngùi chia sẻ.

Tự gây gổ, đánh nhau

Trao đổi với PV, ông Lâm Văn Nở (Trưởng ấp Đức Bình 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho biết: "Ngoài vụ việc bạo hành đáng tiếc xảy ra vào năm 2008, nhiều năm sinh sống tại địa phương, vợ chồng bà Mỳ đều chấp hành tốt mọi quy định.

Về phần bé H., vào năm 2015, sau mấy tháng trở về nhà chính quyền có nhận được thông tin cháu bé bị “bạo hành” nhưng khi vào cuộc làm việc thì xác định được thông tin trên không phải là sự thật. Các anh chị của bé H., và bản thân cháu đều mắc chứng bệnh “tâm thần nhẹ” (hiện nay vẫn đang được nhận trợ cấp xã hội) nên thường xuyên tự gây gổ, đánh lộn với nhau...”, ông Nở cho biết thêm.

Giao bé gái bị mẹ đẻ cắt gân chân, tay về với gia đình

Cách đây 7 năm, bé Hảo được dư luận cả nước rất quan tâm vì bị chính mẹ ruột dùng dao và kéo cắt gân ở gót chân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Minh (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN