Treo thưởng để dân bắt cướp: Chưa ổn!
Đã có người được trao thưởng nhờ thành tích bắt cướp, từ đó phong trào người dân tham gia bắt cướp đang tăng nhưng lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy
Hiện các quận 3, 10, 12 của TP HCM đã đưa ra giải thưởng để khuyến khích người dân bắt cướp, tố giác tội phạm.
Đã lường hết...
Chánh Văn phòng UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng cho biết số tiền thưởng được trích từ Quỹ Phòng chống tội phạm. Đây là nguồn quỹ quận vận động từ doanh nghiệp chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Theo bà Hằng, phong trào kêu gọi toàn dân phòng chống tội phạm đã có từ lâu nhưng để phong trào hiệu quả thì quận mới treo giải thưởng cho người dân tham gia bắt cướp và tố giác tội phạm.
Người dân bắt giữ kẻ trộm xe máy trên đường Tân Hưng Thuận 5 (phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) vào trưa 14-6 Ảnh: PHẠM DŨNG
“Cách đây 1 tháng, khi quận 3 ra mắt quỹ này thì trên trang Facebook có đăng. Tôi thấy có nhiều bình luận cho rằng làm việc này nguy hiểm, tưởng 5-10 triệu đồng lớn lắm hay sao. Nhưng đánh giá lại tất cả bình luận thì chỉ có khoảng 20% bình luận tiêu cực, còn 80% ủng hộ. Điều này cho thấy việc phát động đã ảnh hưởng đến nhận thức người dân và đại đa số cho rằng đó là tích cực” - bà Hằng chia sẻ.
Trước lo lắng trong quá trình người dân bắt cướp có thể bị thương, phương tiện hư hỏng, bà Hằng thông tin ngoài tiền thưởng, quỹ này còn trích một phần để hỗ trợ chi phí cho người dân chữa trị hoặc sửa chữa phương tiện. “Tùy theo mức độ bị thương hoặc hư hỏng phương tiện mà mình có sự hỗ trợ hợp lý trên tinh thần chia sẻ, động viên người dân. Với những trường hợp hy hữu như mất khả năng lao động thì sự hỗ trợ của chính quyền mang tính lâu dài chứ không phải một lần” - bà Hằng khẳng định.
Trước băn khoăn việc quận 3 kêu gọi người dân tham gia bắt cướp khi họ không có nghiệp vụ, chuyên môn chẳng khác nào đưa họ vào việc làm nguy hiểm, bà Hằng nhấn mạnh: Chẳng ai muốn đưa một người nào vào tình huống nguy hiểm. Và chính quyền thì lại càng không, chuyện đó tuyệt đối là không. Khi quận 3 kêu gọi người dân tham gia hoạt động này là mong muốn trong nhận thức người dân phải có tinh thần, ý thức tham gia cùng với chính quyền trong phòng chống, tố giác tội phạm, nhất là muốn người dân không bàng quan trước các hành vi vi phạm pháp luật bởi tội phạm phát sinh hiện hữu trong cộng đồng dân cư rất nhiều mà hệ thống cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng có mặt mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ nên khuyến khích người dân báo tin đúng
Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, chia sẻ: Phần thưởng vài triệu đồng đôi khi chỉ là tượng trưng nhưng nếu như họ bị chống trả gây thương tích, bị đe dọa tinh thần thì ai sẽ bảo vệ họ? Ai sẽ là người trả viện phí, thuốc men, tổn thất do không thể lao động trong những ngày nằm viện? Tất cả những vấn đề này còn bỏ ngỏ khi thiếu những văn bản pháp luật cũng như những điều khoản ràng buộc. Ở đây rõ ràng chính quyền chỉ mới nói chứ chưa có ràng buộc mà muốn ràng buộc thì phải thay đổi luật.
Về mặt pháp luật, người dân hoặc “hiệp sĩ” không có quyền được khám, bắt người giữa đường nếu không phải là tội phạm quả tang. Hiện nay, việc một nhóm người được xã hội phong là “hiệp sĩ” ngang nhiên bắt giữ người, trói những người được cho là vi phạm pháp luật sau đó đăng lên mạng xã hội rồi gửi email cho các phóng viên, thể hiện sự vi phạm về nhân quyền nghiêm trọng. Việc một người có tội hay không phải qua sự xác minh, khám phá của cơ quan công an. Chúng ta không thể tùy tiện bắt người rồi tự đăng lên mạng với chú thích họ là những người vi phạm pháp luật.
Chưa kể các quy định pháp luật chồng chéo giữa phạm tội và không phạm tội nên việc xử lý không đến nơi đến chốn sẽ khiến những người tham gia bắt đối tượng phạm tội có nguy cơ bị trả thù là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ nên khuyến khích người dân thông tin đúng, chính xác về tình hình, băng nhóm tội phạm để ngành công an khám phá thì khả thi hơn.
Còn theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM: Vấn đề phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự thì TP HCM hiện nay có rất nhiều lực lượng đảm trách và có nguồn chi từ quỹ an ninh quốc phòng. Trong đó, một lực lượng lớn chuyên nghiệp, chuyên trách, cơ hữu được xây dựng lâu đời như: Bảo vệ khu phố, dân quân tự vệ, cảnh sát khu vực, cảnh sát hình sự, đặc nhiệm, lực lượng phản ứng nhanh 113...
Dưới đánh giá của luật sư về pháp lý, các lực lượng trên là lực lượng được xem như chuyên trách có quyền và nghĩa vụ, có nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong việc phòng chống tội phạm một cách hiệu quả nhất nhưng khi xảy ra tội phạm, lực lượng này ở đâu mới là chuyện đáng bàn.
Vấn đề thứ hai, giả sử trong quá trình truy đuổi, họ gây tai nạn cho người khác (vì họ không có nghiệp vụ) hoặc họ đánh chết, gây thương tích cho tội phạm, họ có bị truy tố hay không? Hoặc họ gián tiếp gây áp lực khiến tội phạm nhảy sông, nhảy cầu hay lâm vào tình trạng nguy hiểm dẫn đến cái chết thì họ có bị truy tố hay không?
Rất nguy hiểm Trưa 17-9-2012, anh Hoàng Ngọc Tri (SN 1990, quê Bình Định, vừa tốt nghiệp đại học) chở bạn gái lưu thông trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) thì Cao Trung Lập (SN 1984, ngụ quận Bình Tân) áp sát giật máy tính xách tay. Anh Tri điều khiển xe máy đâm thẳng vào xe của Lập khiến cả người và xe cùng ngã lăn ra đường. Anh Tri và Lập vật lộn rất quyết liệt. Hậu quả, anh Tri bị đâm tử vong tại chỗ. Trong quá trình tẩu thoát, Lập đâm trọng thương 2 người khác do truy đuổi y. - Tối 7-10-2014, phát hiện một phụ nữ đang đi bộ trong hẻm 116 Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10), 2 đối tượng Nguyễn Chí Cường (SN 1989) và Phạm Thanh Phong (SN 1991) đã áp sát giật giỏ xách bỏ chạy. Thấy vậy, anh Hà Mai Anh (SN 1981) đã đuổi 2 kẻ cướp vào hẻm cụt và bắt giữ thì bị đâm trọng thương ở bụng. |
“Sau một tháng phát động, có khoảng 6-7 người dân ở quận 3 được nhận thưởng. Khi mỗi người dân được khen thưởng 5 triệu đồng, họ rất bất ngờ và vui vì công sức của họ được chính quyền ghi nhận” - bà Hằng chia sẻ. |