Trào lưu xả stress ở “Căn phòng thịnh nộ”: Nên hay không?
Khi xã hội có quá nhiều áp lực, để cân bằng cuộc sống mỗi người đều có một cách để xả stress riêng của mình. Người lựa chọn đi du lịch, người đọc sách, tập thể thao… Nhưng đó là những cách xả stress rất đỗi quen thuộc. Hiện nay ở Hà Nội xuất hiện một cách lấy lại cân bằng tâm lý rất dị biệt, đó là “đập phá”.
Đến “Căn phòng thịnh nộ” (trên đường Đê La Thành) để đập phá đang trở nên rất hot với nhiều người. Họ cho rằng: “đập phá trong không gian an toàn với mình và người xung quanh là một cách xả stress hay, một trải nghiệm đặc biệt”.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các dạng tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Những bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh thì có tới 13 triệu người mắc. Con số này có xu hướng gia tăng, điều này cho thấy cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều áp lực, đi kèm theo đó là những hệ lụy.
Cũng có bạn trẻ cho rằng, được đập phá an toàn là cách cân bằng lại cuộc sống.
Áp lực mưu sinh, chấn động tâm lý đã đẩy nhiều người vào trạng thái stress, nếu không được giải tỏa thì rất dễ bị kích động, có những hành động quá khích, trầm cảm, dẫn đến loạn thần.
Có nhiều cách để con người giải tỏa stress như nghe nhạc, xem phim, cà phê với bạn bè. Nhưng nếu muốn tìm một cách để giảm stress nhanh, mạnh, mới mẻ và trực quan hơn thì, theo quan điểm của một số người, đi… đập phá ở một nơi an toàn có lẽ là một… trải nghiệm lạ.
Dịch vụ đập phá đồ đạc để… xả stress ở Hà Nội đang trở thành trào lưu được một số người đón nhận. Khách hàng của dịch vụ này khá đa dạng, nữ có, nam có, dân công sở có, làm việc tự do cũng có, tất cả họ đều có điểm chung là muốn giải tỏa tâm lý, cân bằng cuộc sống.
Quán cà phê với “Căn phòng thịnh nộ” đang là điểm thu hút với bất kỳ ai có nhu cầu xả stress. Ý tưởng tưởng chừng như điên rồ này là của anh Nguyễn Ngọc Thịnh – người từng chịu rất nhiều áp lực trong công việc.
Anh Thịnh chia sẻ: “Công việc của mình trước đây là một nhân viên chăm sóc khách hàng, có những ngày phải làm việc 12 giờ liên tục, tiếp xúc với hàng trăm người nên rất dễ ức chế và tức giận. Những lúc đó không biết giải tỏa bằng cách nào nên đôi khi mình lại trút giận lên những người xung quanh. Thỉnh thoảng muốn đập cái gì đấy cho thoải mái đầu óc, nhưng không dễ để thực hiện. Xuất phát từ đó mà mình đã tạo ra nơi này, nơi để đập phá, để xả những gì ức chế hằng ngày”.
Thực tế, “Căn phòng thịnh nộ” đã xuất hiện rất nhiều tại các nước phát triển như Nhật Bản, Italia, Nga, Mỹ, Canada… Hiện nay Đông Nam Á mới chỉ xuất hiện hai phòng, là ở Việt Nam và Singapore.
“Mô hình này đã được nhiều bạn trẻ, giáo sư của các trường đại học thảo luận nhiều. Nhưng thực tế mới chỉ là tài liệu, là lý thuyết, chưa ai dám đưa nó vào thực tiễn.Theo nghiên cứu, vấn đề stress căng thẳng do công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội đang ở mức đáng lo ngại. Nhiều vụ việc như xô xát đánh nhau, phá hoại của cải vật chất đều do căng thẳng tâm lý mà ra. Fury rom (Căn phòng thịnh nộ) ra đời với mục đích giúp mọi người có một nơi để giải tỏa, được trút bỏ tất cả những những giận dữ mình đang phải chịu.
"Bãi chiến trường" được người chơi để lại sau khi thỏa mãn đập phá.
Đến với “Căn phòng thịnh nộ” mọi người có thể đập phá đồ đạc, bạo lực ở đây không làm ảnh hưởng đến ai. Đó là bạo lực được kiểm soát, được diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Khi đập phá xong con người sẽ có cảm giác thoải mái hơn cả về thể chất lẫn tinh thần” – anh Thịnh chia sẻ.
Ban đầu ý tưởng xây dựng “Căn phòng thịnh nộ” của anh Thịnh không được gia đình, người thân ủng hộ. Đơn giản bởi đó là ý tưởng quá mới, ở Việt Nam chưa từng có ai làm, trong khi đó đầu tư cho một căn phòng cũng tốn kém đến tiền tỷ. Thế nhưng sau khi “thuyết trình” ý tưởng “điên rồ” ấy thì mọi người trong gia đình cũng đã ủng hộ Thịnh. Vỏn vẹn 2 tháng thi công, chi phí lên tới 1,5 tỷ đồng.
“Được mọi người ủng hộ là động lực lớn với mình. Mặc dù có nhiều khó khăn vì mình là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ này. Có nhiều thứ phải nghiên cứu từ bảo hộ cho đến cách âm, làm thế nào để khách hàng thoải mái nhất khi ra về”.
Đến với “Căn phòng thịnh nộ”, khách phải liên hệ đặt trước bởi căn phòng này luôn kín lịch. Khách chủ yếu là những bạn trẻ 9X có nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống.
Anh Thịnh chia sẻ: “Kỷ niệm đặc biệt nhất với mình đó là gần đây có một nhóm bạn tận TP Hồ Chí Minh lặn lội ra chơi. Sau khi chơi xong, tất cả đều cảm thấy mãn nguyện, không thấy hối tiếc vì phải đi xa. Có những bạn trẻ bị áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cũng đến, họ đến rồi đi rất nhanh. Căn phòng được phá tan hoang không còn một thứ gì, phải gọi nó là cực nhanh, cực mạnh”.
Giá dịch vụ của “Căn phòng thịnh nộ” dao động từ 150 nghìn đồng cho đến 368 nghìn đồng tùy vào nhóm chơi và thời gian. Dù lợi nhuận là mục tiêu nhưng với ông chủ đặc biệt này thì cảm xúc chân thực của khách hàng mới là điều anh hướng tới. Anh muốn mọi người đến và khi ra về phải thấy mình được vui vẻ, được trút bỏ những căng thẳng mà mình đang gánh chịu.
Chúng tôi đến “Căn phòng thịnh nộ” đúng vào lúc có một tốp khách chờ đợi. Một phòng kín được chủ nhân làm cách âm khá chuyên nghiệp, người chơi sẽ được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, mũ bảo hiểm để tránh gây thương tích khi đập đồ. Tùy vào giá trị của đồ vật trong phòng, người chơi sẽ phải chi trả một khoản tiền tương ứng để “xả stress”.
Tại đây được trang bị nhiều đồ gốm, chai lọ, tivi, đồ điện tử cũ… Vật để sử dụng đập phá là gậy bóng chày, gậy đánh golf, xà beng hoặc súng cao su. Những đồ vật này được sắp xếp ngẫu nhiên, chính vì thế cảm giác đem lại hoàn toàn là cảm giác thật.
Có những nhóm bạn trẻ lặn lội từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để trải nghiệm.
“Tất nhiên những đồ đạc ở đây đều là những đồ cũ, không sử dụng được nữa. Nhiều người nhìn vào sẽ cảm thấy tiếc, phí phạm, nhưng những đồ này khi bị đập phá chúng tôi có thể thu gom lại và bán đồng nát. Người chơi đập phá chưa thấy thỏa mãn có thể mua thêm các món đồ. Trung bình cho mỗi lần đập phá có thể lên tới 200 nghìn đồng, tôi nghĩ giá này không quá cao cho một lần được xả stress một cách có kiểm soát và an toàn cho cả bản thân và người xung quanh” – một nhân viên của dịch vụ này nói.
Bạn Lý Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) vừa xả stress tại “Căn phòng thịnh nộ” chia sẻ: “Em đi làm tại một công ty tư vấn khách hàng, nói chung công việc nhiều áp lực lắm. Hơn nữa còn các mối quan hệ xã hội và gia đình. Nhiều lúc thấy ngột ngạt, muốn đập tung mọi thứ để giải phóng mình. Nhưng rồi lại nghĩ đến hậu quả mà không dám làm.
Thực sự đây là nơi để em giải phóng năng lượng, giải tỏa mọi áp lực. Khi đập phá, mồ hôi chảy ra khắp người, mệt lả đi nó cũng làm cho con người nhẹ nhõm hơn”.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc trút giận bằng cách đập phá không phải là cách hay để giải tỏa căng thẳng lâu dài.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình chia sẻ: “Đúng là trong xã hội hiện đại, nhịp điệu công nghiệp hiện nay thì có rất nhiều môi trường chịu áp lực, không cứ là những nơi công sở, hay chỗ quá bí bách để dẫn đến dồn nén khiến người ta cảm thấy rất khó giải thoát. Nhiều người sẽ có mong muốn phải đập, phải phá một cái gì đó. Tôi thấy những hình ảnh đập phá của “Căn phòng thịnh nộ” đó cũng có tác dụng giải tỏa những bí bách trong người. Đây là một hình thức dịch vụ, giúp con người xả stress như bao dịch vụ khác. Nhưng có điều, đứng trên bình diện của cải sản xuất của xã hội có phải là lãng phí chăng? Ít nhất là từ cách nhìn của xã hội chúng ta. Việc gia tăng những người mắc chứng tâm thần thì không cứ xã hội chúng ta, mà các nước phát triển hơn chúng ta nhiều như Thụy Điển, Nhật Bản chẳng hạn, số lượng người dân đang yên đang lành đi tự tử cũng rất cao. Xét ở bình diện cá thể, thì những tác động này lại khiến người khác không chịu nổi. Cách xả stress của mỗi người là khác nhau nên điều này nó mang tính cá thể. Hiện nay không ít người có những dồn nén, áp lực từ rất nhiều mối quan hệ khác và chỉ chờ có cơ hội là bùng phát. Ví dụ như ra đường tham gia giao thông, chỉ cần một cái va chạm, cái nhìn của người khác là xảy ra mâu thuẫn. Đôi khi để giải tỏa lâu dài những áp lực thì cần phải có môi trường thật tốt. Như giao thông không còn tắc nghẽn, đường phố sạch sẽ hơn, nhiều cây xanh hơn. Nói chung phải có không gian xã hội của các đơn vị làm việc, học tập nó nhân văn hơn thì sẽ giảm thiểu áp lực”. |
Ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối...