Tìm phương án đưa đầu máy, toa xe tuyến Cát Linh-Hà Đông lên ray
Ban QLDA Đường sắt đang khẩn trương rà soát phương án đưa đầu máy, toa xe lên nhà ga đảm bảo an toàn.
Đoàn xe được tập kết tại đường Lê Trọng Tấn kéo dài, có người bảo vệ 24/24h
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, khoảng 20h tối 19/2, 4 chiếc xe tải siêu trường, siêu trọng chở tổ hợp gồm 2 đầu máy và 2 toa xe đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn đang đậu trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội) kéo dài. Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, đây là điểm tập kết để sẵn sàng đưa tổ hợp đầu máy, toa xe này lên đường sắt trên cao trong 1-2 ngày tới, sau khi đã tính toán kỹ phương án bảo đảm an toàn.
Trước đó, đoàn xe này đã được tập kết tại đường Lê Trọng Tấn kéo dài từ rạng sáng nay (19/2) và được đơn vị vận chuyển, các đơn vị liên quan cử lực lượng túc trực, canh gác, bảo đảm an toàn cho phương tiện và ATGT trên đường. Đoàn xe chở tổ hợp phương tiện đường sắt gồm 4 chiếc, mỗi xe từ 12-16 trục và chở đầu máy hoặc toa xe.
Xe siêu trường chở toa xe đường sắt trên cao
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng phòng Dự án 2 của Ban Quản lý dự án cho biết, đây là loại hàng hóa đặc chủng, cùng một số trang thiết bị đo kiểm và vật tư dự phòng, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam nên thủ tục thông quan liên quan đến hàng hóa miễn thuế nhập khẩu dài hơn so với thông thường, nên tới chiều ngày 16/2 các thủ tục hải quan hoàn thành, đủ điều kiện bốc xếp để vận chuyển từ cảng về công trình.
Các đầu máy, toa xe có chiều cao, dài đặc thù nên lộ trình vận chuyển phải được tính toán kỹ lưỡng: từ cảng Hải Phòng chạy dọc theo QL5 cũ - QL21B về đến Phủ Lý - QL1 cũ về đến Văn Điển - QL70 về đến đường Quang Trung - Hà Đông và tập kết tạm tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông gần sát khu ga La Khê trên tuyến. “Suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia phải túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu”, thông tin từ Ban QLDA Đường sắt khẳng định.
Hướng dẫn giao thông tại nơi đoàn xe dừng đỗ
Ghi nhận của PV, cả ban ngày và ban đêm, tại khu vực đoàn xe dừng đỗ được căng dây giới hạn, cọc phản quang phân luồng và luôn có người túc trực 24/24h để bảo vệ và hướng dẫn giao thông. Theo Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt Vũ Hồng Phương, đơn vị này vẫn đang khẩn trương rà soát lại phương án vận chuyển từ chỗ tập kết đoàn tàu (đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông) ra ga La Khê và phương án cẩu đưa lên nhà ga để cho đảm bảo an toàn. Những đoàn tàu còn lại sẽ được chia làm 3 đợt, vận chuyển về cảng Hải Phòng trong những tháng tới.
"Ngày mai, Ban Quản lý dự án dự kiến sẽ đưa ra phương án, thời gian để đưa tổ hợp phương tiện đường sắt đầu tiên này lên đường ray trên cao bảo đảm an toàn tuyệt đối", ông Phương cho biết.
Mẫu tàu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông
Được biết, tổ hợp 4 đầu máy, toa xe đầu tiên do tàu Tian Wang Xing của Trung Quốc vận chuyển, cập cảng Hạ Long - TP Hải Phòng chiều 12/2. Lô thiết bị này do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh, Trung Quốc chế tạo và sản xuất. Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gồm 4 toa xe chuẩn B1 với 2 toa xe kéo có cabin lái tàu ở hai đầu (Tc), 2 toa xe động lực có động cơ ở giữa (M). Chiều dài đoàn tàu là 79m. Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m; độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8m. Tốc độ tối đa đạt 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h.
Toa Tc có 36 chỗ ngồi tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 230 người nhưng tối đa có thể chở 327 người; toa giữa M có 42 chỗ ngồi tiêu chuẩn, năng lực xếp chở 250 người nhưng tối đa chở được 354 người; cả đoàn tàu chở 960 người nhưng tối đa chở 1.326 người.