Thực hư khả năng chữa bệnh của “công chúa thuốc lào”

Sự kiện: Tin nóng

Khoảng 1 tháng nay trên mạng xã hội, các clip về “Công chúa thuốc lào” chữa bệnh nhận được sự theo dõi của hàng nghìn lượt người xem. Thông tin về “thần y” này cũng được lan rộng nhanh chóng...

Thực hư khả năng chữa bệnh của “công chúa thuốc lào” - 1

Hàng dài bệnh nhân chờ "công chúa thuốc lào" chữa bệnh

Kỳ 1: Mục sở thị “công chúa thuốc lào” chữa bệnh

Theo clip, người bệnh lần đến...

Theo clip phát trực tiếp buổi chữa bệnh của người xưng “cô” Nhung, bệnh nhân hầu hết là người liệt nửa người sau tai biến, tai nạn hoặc trẻ bại liệt, câm điếc bẩm sinh. Theo hình ảnh các clip này, bệnh nhân phục hồi “thần kỳ” có thể tự đứng, đi được vài bước hoặc với sự trợ giúp của người nhà sau khi được bẻ, kéo, vặn… thậm chí dùng tay rút lưỡi đối với người câm.

Ngay sau khi xem clip chữa bệnh quay tại thôn Cán Khê, Nguyên Khê, Đông Anh, không ít người đã tìm về đây với hi vọng được "cô" Nhung chữa trị. Bên cạnh một số ý kiến nghi ngờ về hiệu quả kỳ diệu của phương thức chữa bệnh này, không ít người lại đặt nhiều kỳ vọng, coi “cô” Nhung như thánh xuống trần “cứu nhân độ thế”.

Trưa 30/11, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Cán Khê. Chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến gần chục gia đình từ Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... tìm đến đây sau khi theo dõi clip chữa bệnh của “cô” Nhung. Do chỉ được xem qua clip, không thể liên lạc được với “cô” Nhung cũng như địa chỉ liên lạc nên hầu hết đành chấp nhận vượt đường xá xa xôi đến với hi vọng sẽ gặp… Tuy nhiên, tất cả đều thất vọng ra về bởi hay tin “cô” Nhung chỉ tổ chức khám chữa bệnh vào ngày cuối tuần.

Cô Liên (Sóc Sơn) có con gái gần 20 tuổi câm điếc bẩm sinh cho biết: Không biết bao lần đưa con đi chữa trị, đông tây y đủ cả, thậm chí cả đi thầy cúng… thế nhưng bệnh của con vẫn không suy chuyển. “Cháu gái cô xem clip trên mạng nên gọi điện về bảo có người chữa được cả câm điếc, nên cô đưa con sang đây, nếu hợp thầy hợp thuốc thì tốt quá”, cô Liên cho hay.

Còn mẹ con anh Hùng (xã Liên Hà, Đông Anh) cũng vì theo dõi thấy clip “trực tiếp” nên bỏ cả ngủ trưa để tìm đến. Mẹ anh Hùng đi khám được bác sĩ chẩn đoán do bị chèn ép dây thần kinh nên nửa người bại, đau. Mặc dù tỏ ý nghi ngại cách thức chữa bệnh của "cô" Nhung nhưng mẹ anh Hùng vẫn nằng nặc đòi anh đưa sang vì cho rằng “người nặng thế còn khỏi”.

Khá thất vọng vì đến không đúng ngày "cô" Nhung khám bệnh, anh Nam (Phủ Lý, Hà Nam) bế con lên taxi, chia sẻ: “Sau vụ tai nạn giao thông, con tôi nằm liệt một chỗ. Chạy chữa gần năm rồi, đủ cách mà không đỡ. Khi được chia sẻ clip là gia đình ngay lập tức thuê xe đưa con lên đây chữa bệnh. Ai ngờ không đúng ngày, nhưng chắc chắn cuối tuần sẽ quay lại”. Chiếc xe taxi chở gia đình anh Nam lại vội vã lăn bánh quay về Hà Nam cho kịp trước khi trời tối.

Thực hư khả năng chữa bệnh của “công chúa thuốc lào” - 2

Công chúa thuốc lào chữa bệnh ngày 2/12 (ảnh nhỏ cắt từ clip)

Vặn, kéo, bẻ, rút… chữa liệt, câm (?)

9h ngày 2/12, tại thôn Cán Khê, hơn trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi la liệt khắp con ngõ gần nhà văn hóa thôn chờ đến lượt được “cô” Nhung chữa bệnh. Bệnh nhân tìm đến đây đủ lứa tuổi từ trẻ còn ẵm ngửa đến cụ già, với các bệnh câm, điếc, khoèo, liệt vận động chân tay, down, tự kỷ… ai cùng hi vọng “hợp duyên” được “cô” Nhung chữa cho.

Cả con ngõ dài chừng 20m, rộng hơn 3m ken cứng người nằm ngồi nhốn nháo chờ đợi được “cô” Nhung lựa chọn “ra tay” chữa bệnh. Có những đứa trẻ còn ẵm ngửa, có thanh niên liệt cả người ngồi trên xe lăn, miệng ú ớ mếu máo vì ngột ngạt… Tất cả bệnh nhân được người nhà đưa đến từ nhiều nơi, gần thì Sóc Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, xa hơn là Phú Thọ, Thanh Hóa, thậm chí tận Nghệ An ra thuê trọ, ăn trực nằm chờ gần cả tuần để được chữa bệnh.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (Sóc Sơn) và cậu con trai lên 4 có mặt ở đây từ tờ mờ sáng. Anh Minh cho hay, con trai anh mắc bệnh chậm nói. Lên 4 cháu thi thoảng mới bập bẹ vài từ bà bà, mệ mệ… cho dù hầu như mọi việc cha mẹ nói bé đều hiểu và làm theo. Anh Minh cho con đi khám khắp nơi, hiện cũng đang theo điều trị tại BV Nhi T.Ư với chẩn đoán điều trị “chậm phát triển”.

“Tôi xem trên mạng trực tiếp cảnh “cô” Nhung chữa bệnh, nhiều trẻ câm mà nói được nên tôi cho cháu đến đây. Biết đâu cháu lại nói được”, anh Minh cho biết. Còn bà Khang (65 tuổi, Sơn Động, Bắc Giang) trở lại lần thứ 2 với mong muốn được chữa hết liệt, hậu quả sau tai biến cách đây chừng 2 tuần. Con gái bà Khang cho hay, hiện bà vẫn đang điều trị vật lý trị liệu phục hồi sau tai biến. Thế nhưng khi được xem clip chữa liệt của “cô” Nhung, bà nằng nặc đòi chồng con đưa đến đây.

Theo quan sát, với người bệnh bị liệt, khoèo phải ngồi xe lăn hay đi lại bằng nạng, dù người lớn hay trẻ nhỏ, “cô” Nhung cũng có cùng cách chữa trị là kéo, nắn, bẻ chân hoặc tay. Mỗi bệnh nhân được “cô” kéo, bẻ chừng vài phút. Không chỉ dùng tay, “cô” còn tỳ cả người, cả gối để bẻ. Nhiều trẻ nhỏ đau không chịu nổi sau mỗi động tác kéo, vặn của “cô” Nhung lại oằn mình khóc thét, rồi được mẹ bế thốc lên vai. Còn người lớn thì nghiến răng chịu đựng. Sau khi bẻ, kéo giãn… có bệnh nhân được dìu đứng lên, có người tự bước đi được vài bước chân.

Với bệnh nhân câm hay chậm nói, “cô” Nhung và cộng sự có cùng một cách chữa: Vuốt dọc hầu họng và dùng tay lót khăn kéo, lắc phải, lắc trái lưỡi của bệnh nhân câm. Còn với bệnh nhân điếc, liên tục được cô vỗ “ù” tai, và vuốt dọc từ cổ lên sát dái tai. Sau bài chữa này, có người bập bẹ thốt ra vài từ không rõ tiếng như "chị ơi, mẹ ơi", có người không nói tiếng nào.

Như trường hợp con trai anh Minh, cũng được 1 cộng sự của “cô” Nhung khám chữa, sau mỗi lần vuốt dọc hầu họng, hay nhấn huyệt ở sát dái tai, cả cơ thể cậu bé lại co dúm, gào khóc khản tiếng vì… đau nhưng trẻ không bật được tiếng nào. Sau một hồi điều trị, anh Minh được “thầy thuốc” cho hay, tai con anh có vấn đề, “khả năng điếc nên cháu không thể nghe được dẫn đến không thể bắt chước để nói được”(?). Tuy nhiên, anh Minh cho hay, cách đây không lâu, đưa con đi khám tại BV Nhi T.Ư, con anh được đo thính lực và được khẳng định không có vấn đề gì về thính lực và chỉ định điều trị chậm phát triển.

Cũng không ít người bệnh được người nhà cõng vội quay về vì cơ thể vốn đau yếu vì bệnh tật, sau khi được “cô” Nhung kéo, bẻ chịu không nổi.

“Thần y“ kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y

“Bệnh nan y nào bác sĩ chào thua, đến đây tôi chữa trong vài ngày là khỏi hẳn”, ông Năm Ngởi nói chắc như đinh đóng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Báo Giao thông)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN